banner
English
Tiếng Việt

Chăn nuôi bài bản giúp bảo vệ đàn lợn trước dịch tả châu Phi

Cập nhật: 22/11/2019
Lượt xem: 12727

Ngày 21/11, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp Cục Thú y, Sở NNPTNT Bình Phước tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp chăn nuôi lợn ATSH vùng Đông Nam Bộ”.

Vượt “bão dịch” nhờ chăn nuôi khép kín

 chan nuoi bai ban giup bao ve dan lon truoc dich ta chau phi hinh anh 1

   Số lượng các trang trại, mô hình chăn nuôi lợn ATSH ngày càng tăng. Ảnh: T.L

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, kết quả của các dự án đã tác động tích cực đến ý thức phòng bệnh của người chăn nuôi trên địa bàn triển khai dự án, đồng thời cũng tác động đến chính sách của một số địa phương trong việc xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Khi DTLCP bùng phát ở địa bàn thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước, gia đình ông Phùng Văn Bảo (ngụ tổ 5, khu phố Phú An, phường An Lộc) vô cùng lo lắng, đứng ngồi không yên. Với quy mô trại lợn 50 nái, 1.000 lợn thịt/năm, nếu bị “dính” dịch thì thiệt hại vô cùng lớn.

Ông Bảo cho biết: Để ngăn chặn dịch lây lan vào trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột khắp nơi, chúng tôi đã mua lưới dày che kín hết xung quanh chuồng trại để ngăn côn trùng, vật trung gian truyền bệnh. Đồng thời, tăng cường cho khâu chăm sóc nuôi dưỡng, mua thêm men sinh học, vitamin cao cấp trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lợn... Nhờ đó, đến nay trang trại vẫn bình yên, trong khi DTLCP đã xảy ra trên toàn bộ các xã phường của thị xã Bình Long từ tháng 7/2019.

Tương tự, nhờ chủ động, tích cực và thực hiện tổng hợp nhiều biện pháp ATSH mà đàn lợn quy mô 1.600 con của Trại lợn giống quốc gia Bình Minh (huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) đã vượt qua tâm “bão” DTLCP.

Theo đó, ngay khi trên địa bàn xã Bình Minh xuất hiện ổ dịch, trung tâm đã đóng cửa trại (nội bất xuất, ngoại bất nhập); thường xuyên kiểm tra vành đai bên ngoài tường rào của trại, tránh bị vứt xác gia súc gần trại; rải vôi bột khu vực ngoài cổng trại, trước cửa chuồng nuôi và khu liên kết giữa các lối đi chính trong trại. Thường xuyên kiểm tra và thay mới vôi bột (2 ngày/lần); định kỳ phun sát trùng thường xuyên...

Theo Bộ NNPTNT, chăn nuôi lợn vẫn chiếm tỷ trọng rất lớn trong cơ cấu thịt và bữa ăn của người Việt, nếu không có giải pháp ngăn chặn dịch kịp thời và tái đàn an toàn thì nguy cơ thiếu thịt là rất lớn, nhất là trong dịp cuối năm 2019 và năm 2020. Nhưng tín hiệu đáng mừng là qua 8 tháng DTLCP xảy ra, từ thực tiễn đã xuất hiện rất nhiều mô hình chăn nuôi ATSH thích ứng, thích nghi được với DTLCP, như mô hình chăn nuôi lợn của Tập đoàn Quế Lâm, Amavet, Phân viện Chăn nuôi phía Nam…

Bà Nguyễn Thị Liễu Kiều - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM cho biết, nhờ làm tốt công tác quản lý đàn vật nuôi và áp dụng triệt để chăn nuôi ATSH nên đàn lợn tại các trại lợn giống uy tín như Phước Long, Đồng Hiệp vẫn sinh trưởng tốt; đàn lợn tại các hộ chăn nuôi thực hiện mô hình trình diễn khuyến nông “Chăn nuôi lợn thịt trên nền đệm lót sinh học” tại huyện Củ Chi (Bình Chánh) vẫn tăng trọng nhanh.

Chăn nuôi ATSH phát triển mạnh

Theo Bộ NNPTNT, trong những tháng còn lại của năm 2019, nhiệm vụ của ngành chăn nuôi là phải  triển khai mọi biện pháp để kiểm soát dịch bệnh, nhất là DTLCP, chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương áp dụng các biện pháp chăn nuôi ATSH để tái đàn, mở rộng quy mô đàn lợn ở các vùng, các cơ sở chưa có dịch và có đủ điều kiện chăn nuôi ATSH.

Điều đáng mừng là số lượng các trang trại, mô hình chăn nuôi lợn ATSH ngày càng nhiều. Nếu như năm 2016, cả nước có 2.147 trang trại chăn nuôi lợn ATSH, chiếm 18,3%, tổng đầu con trên 2,1 triệu con, thì sang năm 2017 tăng lên gần 2.500 trang trại với tổng đàn 2,8 triệu con; năm 2018 là hơn 2.500 trang trại, tăng 0,8% so với năm 2017, tổng đàn trên 2,82 triệu con, chiếm 9,9% tổng đàn lợn cả nước.

Theo báo cáo của Trung tâm Khuyến nông quốc gia, năm 2018, đơn vị triển khai 9 dự án khuyến nông chăn nuôi ATSH với kinh phí 22,5 tỷ đồng. Theo đó, đã có 46 mô hình được triển khai với quy mô 164.325 con gia súc, gia cầm (trong đó: 2.041 con bò, 354 con lợn trong mô hình lợn sinh sản, 9.000 con lợn trong mô hình chăn nuôi an toàn kiểm soát dịch bệnh, 80.930 con gia cầm…), với tổng số 936 hộ và 3 đơn vị quân đội tham gia.

Hầu hết các chương trình dự án khuyến nông chăn nuôi đều áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, thức ăn, quy trình chăn nuôi… nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, các hộ chăn nuôi đã áp dụng quy trình chăn nuôi ATSH,  VietGAHP. Người chăn nuôi tham gia mô hình dự án được tập huấn, hướng dẫn các biện pháp chăn nuôi ATSH, quy trình vệ sinh, tiêu độc khử trùng.

Thiên Hương - (Dân Việt)
Tag:  an toan sinh hoc, chăn nuôi bài bản, dịch tả lợn châu Phi, diễn đàn khuyến nông, Bình Phước  
TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 6
|
Tổng số truy cập: 13.087.659
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành