banner
English
Tiếng Việt

Thiếu “chân rết” thú y, khó phòng dịch

Cập nhật: 18/02/2020
Lượt xem: 35914

Căng mình chống dịch

Ngày 3/2/2020, ổ dịch cúm gia cầm H5N6 xuất hiện đầu tiên trên địa bàn TP.Hà Nội với tổng đàn 2.397 con vịt của 1 hộ chăn nuôi tại thôn Phú Vinh, xã Phú Nghĩa (Chương Mỹ) dương tính với cúm A/H5N6. Sau đó ngày 9/2/2020, tiếp tục có 3 hộ chăn nuôi vịt và ngan tại khu vực xảy ra dịch, đàn gia cầm của 3 hộ có biểu hiện ốm chết nghi mắc cúm gia cầm. Sở đã chỉ đạo kịp thời tiêu hủy toàn bộ tổng đàn gia cầm theo quy định, tổng số gia cầm tiêu hủy của 4 hộ là 6.807 con.

 thieu “chan ret” thu y, kho phong dich hinh anh 1

Người dân xã Tiên Sơn (Việt Yên, Bắc Giang) phun thuốc khử trùng khu vực nuôi gia cầm. Ảnh: TRỊNH LAN

Thực hiện nghị quyết của T.Ư về sắp xếp bộ máy, nhiều địa phương đã hoàn thành việc hợp nhất các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp như: Chăn nuôi, thú y, trồng trọt, khuyến nông từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Lợi ích của việc sáp nhập đã thấy rõ, đầu mối được thu gọn, giảm chức danh lãnh đạo, tuy nhiên trên thực tế cũng đã xuất hiện những lúng túng trong điều hành. Ngành thú y đang gặp khó khi thiếu chức năng quản lý nhà nước xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn  -  Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NNPTNT TP.Hà Nội), các ổ dịch xảy ra chủ yếu ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, nhất là những hộ nuôi vịt, việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học gặp nhiều khó khăn.

“Ngay sau phát hiện ổ dịch, chúng tôi đã tiến hành bao vây, phun thuốc khử trùng, tiêu hủy toàn bộ số gia cầm bị bệnh. Đồng thời, chúng tôi tổ chức tiêm phòng cho toàn bộ đàn gia cầm thương phẩm trong khu vực có dịch thay vì chỉ hỗ trợ tiêm phòng cho đàn giống như trước đây”  -  ông Sơn nói.

Hiện, tỷ lệ tiêm phòng cúm  cho đàn gia cầm trên địa bàn thành phố đạt 80% trở lên (năm 2019, kết quả tiêm phòng vaccine cúm cho đàn gia cầm được trên 26 triệu con).

Trong khi các địa phương lân cận đã xuất hiện những ổ dịch cúm A/H5N6 việc bảo vệ đàn gia cầm 17,7 triệu con của tỉnh Bắc Giang càng thêm khó khăn. Rất may là từ năm 2019 đến nay trên địa bàn tỉnh Bắc Giang không xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm tại các địa phương, đàn gia cầm phát triển ổn định.

Theo ông Lê Văn Dương  -  Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Bắc Giang, do có đàn gia cầm khá lớn, tỉnh đã chủ động các giải pháp phòng chống dịch cúm gia cầm, phát hiện sớm để dịch không có cơ hội lây lan. Năm 2019, tỉnh Bắc Giang đã tổ chức tiêm phòng được 11,9 triệu liều vaccine cúm gia cầm, đạt tỷ lệ 66,11% so với tổng đàn gia cầm hiện có của tỉnh. Tỉnh đã phân bổ 8.900 lít hóa chất cho 10 huyện, thành phố để triển khai tháng vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường từ ngày 10/2/2020 đến 10/3/2020.

Thiếu nhân lực trầm trọng

Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Dương, công tác phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm của tỉnh đang gặp nhiều khó khăn do tổng đàn rất lớn trong khi đó chủ yếu vẫn là chăn nuôi nhỏ lẻ nên gây khó khăn trong công tác quản lý, giám sát dịch bệnh. Do tình hình dịch viêm phổi do dịch Covid - 19, nhiều hoạt động học tập, du lịch phải tạm dừng, việc tiêu thụ các sản phẩm gia súc, gia cầm giảm mạnh dẫn tới giá giảm mạnh.

“Đặc biệt, việc thay đổi trong hệ thống thú y đã làm cho công tác phòng, chống dịch bệnh động gặp nhiều khó khăn như việc thiếu nhân sự trong việc phản ứng nhanh với dịch bệnh, việc triển khai phòng, chống dịch đôi lúc gặp hạn chế’  -  ông Dương nêu một thực tế.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, việc thiếu hệ thống “chân rết” thú y ở cơ sở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc giám sát, quản lý dịch bệnh. “Hà Nội giữ nguyên hệ thống thú y nhưng vẫn không thể đủ lực lượng xuống cơ sở. Chưa kể, chế độ cho người tham gia phòng chống dịch thấp khiến nhiều người không mặn mà tham gia”  -  ông Sơn nói.

Từ thực tế đó, ông Sơn kiến nghị cần có phương án hạn chế tiến tới xóa bỏ chăn nuôi nhỏ lẻ, quy hoạch đưa chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư. Có cơ chế chính sách phát triển chăn nuôi gắn với phòng chống dịch bệnh; ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực chăn nuôi; ban hành hệ thống các tiêu chuẩn, quy trình kỹ thuật trong lĩnh vực giết mổ, kiểm tra sản phẩm động vật nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện một cách đồng bộ giữa các địa phương.

“Trong điều kiện dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường, đề nghị Chính phủ cần xem xét, quan tâm và có chính sách để đội ngũ thú y hoạt động hiệu quả”  -  ông Sơn kiến nghị.

Theo ông Nguyễn Văn Long  -  Phó Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT), từ thực tế phòng chống dịch tả lợn châu Phi thời gian qua cho thấy, việc thiếu hệ thống thú y cơ sở đã khiến việc phát hiện, giám sát, xử lý bệnh gặp nhiều khó khăn, khiến dịch bệnh khó kiểm soát.

“Các địa phương cần khẩn trương thực hiện việc kiện toàn, củng cố và tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y, nhất là tại cơ sở theo đúng tinh thần chỉ đạo của Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để bảo đảm lực lượng tổ chức phòng, chống dịch bệnh có hiệu quả. Bố trí các nguồn lực, kinh phí để tổ chức giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh và sự lưu hành virus cúm gia cầm, phát hiện sớm và xử lý triệt để ổ dịch, không để dịch bệnh lây lan diện rộng; sử dụng có hiệu quả các loại vaccine phòng bệnh cúm gia cầm”  -  ông Long nói.

authorKhánh Nguyên Thứ Ba, ngày 18/02/2020 06:35 AM (GMT+7) -(Dân Việt)
Tag:  dịch cúm gia cầm, H5N1, H5N6, thú y, tiêm vaccine   
TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 13
|
Tổng số truy cập: 14.489.966
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành