banner
English
Tiếng Việt

Đề phòng dịch bệnh chăn nuôi, đảm bảo thực phẩm cuối năm

Cập nhật: 27/09/2021
Lượt xem: 434
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (trái) và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến (trái) và Cục trưởng Cục Thú y Phạm Văn Đông chủ trì hội nghị. Ảnh: Phạm Hiếu.

Nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh động vật

Ngày 17/9, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022.

Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y, từ đầu năm 2021 đến nay, về cơ bản các loại dịch bệnh động vật được kiểm soát tốt, đặc biệt là bệnh cúm gia cầm (CGC), dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), tai xanh, lở mồm long móng (LMLM).

Tuy nhiên bệnh viêm da nổi cục (VDNC) ở trâu bò và chủng mới của bệnh CGC đã và đang lây lan trên phạm diện rộng. Bệnh VDNC đã xuất hiện tại 51 tỉnh thành trên phạm vi cả nước, buộc phải tiêu hủy số lượng lớn trâu, bò với gần 25.000 con.

Đối với DTLCP, tuy công tác an toàn sinh học đã được thực hiên tốt, tuy nhiên còn rất nhiều nông hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, tỷ lệ lợn phải tiêu hủy tương đối lớn với số lượng gần gấp đôi năm 2020.

Đối với gia cầm, ngoài chủng cúm cũ, cũng đã xuất hiện chủng mới như cúm A/H5N6, A/H5N8 gây ảnh hưởng đến việc xử lý, tiêu hủy các ổ dịch, do vậy số lượng gia cầm tiêu hủy trên 400.000 con.

Trên thủy sản, việc chưa làm tốt an toàn sinh học tại các hộ nuôi nhỏ lẻ, đồng thời thu hoạch chậm, tiêu thụ khó khăn cũng là một trong những nguyên nhân gây ra dịch bệnh.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y nhận định từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh là rất cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Ông Nguyễn Văn Long, Phó cục trưởng Cục Thú y nhận định từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh là rất cao. Ảnh: Phạm Hiếu.

Cục Thú y nhận định, từ nay đến cuối năm 2021, đầu năm 2022, nguy cơ xảy ra các loại dịch bệnh là rất cao với nhiều lí do như tổng đàn gia súc, gia cầm hiện nay rất lớn (hơn 515 triệu con gia cầm, gần 27 triệu con lợn, 10 triệu con trâu bò và diện tích nuôi thủy sản gia tăng); chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn.

Các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng, trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường như DTLCP; lây lan nhanh, rộng do các véc tơ truyền bệnh như VDNC.

Công tác phòng, chống dịch bệnh động vật thời gian qua bị ảnh hưởng rất lớn do dịch bệnh Covid-19, nhất là việc tổ chức tiêm các loại vacxin phòng bệnh bị hạn chế, thậm chí nhiều nơi không tiêm được.

Nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thu động vật, sản phẩm động vật các tháng cuối năm tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ chiếm đa số.

Bên cạnh đó, thời tiết biến động bất lợi (mưa, rét ở các tỉnh phía Bắc, miền Trung), tạo điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển, lây lan.

Hà Nội xây dựng 42 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Thông tin tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP. Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết đến thời điểm này, toàn Thành phố đã xây dựng được 42 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh.

Trong đó có 4 cơ sở chăn nuôi bò; 1 cơ sở chăn nuôi dê, 23 cơ sở chăn nuôi lợn, 14 cơ sở chăn nuôi gia cầm (trong đó có 12 cơ sở chăn nuôi gà và 2 cơ sở chăn nuôi vịt).

Có 4 quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Hoàn Kiếm và Ba Đình được cấp Giấy chứng nhận vùng an toàn dịch bệnh dại động vật.
Hà Nội đã xây dựng được 42 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh. Ảnh: Phạm Hiếu.
Hà Nội đã xây dựng được 42 cơ sở chăn nuôi gia súc an toàn dịch bệnh. Ảnh: Phạm Hiếu.

“Thành phố đã có chính sách cụ thể để kịp thời hỗ trợ giống vật nuôi thủy sản, lấy doanh nghiệp là đầu tàu trong việc tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục tăng cường giám sát dịch bệnh vật nuôi và thủy sản, qua đó phát hiện sớm cảnh báo sớm và xử lý kịp thời. Trước mắt tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh không để đứt gãy chuỗi sản xuất ở các huyện ngoại thành”, ông Nguyễn Huy Đăng cho hay.

Đáp ứng nhu cầu thực phẩm cuối năm

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, trong 8 tháng đầu năm 2021, nhờ có sự chủ động, nhận định tình hình nên các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi và trên thủy sản đã mang lại những kết quả nhất định.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cho rằng số lượng đàn gia súc, gia cầm và quy mô thủy sản lớn, mật độ đông, đường biên giới kéo dài, quy mô chăn nuôi chủ yếu còn nhỏ lẻ…, do vậy ảnh hưởng của dịch bệnh rất đáng quan tâm.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến nguồn vốn, lưu thông, nguồn lao động, giá cước vận tải, giá vật tư đầu vào, ngành chăn nuôi, thủy sản nói riêng và nông nghiệp nói chung đang đứng trước những khó khăn, thách thức rất lớn.

 

“Ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản từ nay đến cuối năm. Chúng ta cần phải phấn đấu đạt trên 5 tỷ quả trứng, 1,7 triệu tấn thịt các loại, 2,9 triệu tấn thủy sản cả khai thác và nuôi trồng; phấn đấu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản thêm 12 tỷ USD”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến lưu ý.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, để đạt được những mục tiêu đề ra, công tác phòng chống dịch bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ảnh: Phạm Hiếu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhận định, để đạt được những mục tiêu đề ra, công tác phòng chống dịch bệnh có ý nghĩa hết sức quan trọng. Ảnh: Phạm Hiếu.

Do vậy, để chủ động phòng chống dịch bệnh tốt những tháng cuối năm, phấn đấu đạt những mục tiêu đề ra trong ngành nông nghiệp, Thứ trưởng nhấn mạnh công tác phòng chống dịch bệnh trên vật nuôi, thủy sản cũng như cây trồng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Trong đó không thể không nhắc đến công tác xây dựng cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh.

Từ đầu năm 2021 đến nay, Cục Thú y và cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh cho 57 cơ sở, vùng, bao gồm 48 cơ sở do địa phương cấp và 9 vùng do Cục Thú y cấp (9 huyện an toàn đối với bệnh CGC, newcastle, LMLM và dịch tả lợn cổ điển).

Lũy kế đến ngày 15/9/2021, cả nước có 2.301 cơ sở, vùng chăn nuôi tại 54 tỉnh, thành phố được chứng nhận an toàn dịch bệnh, bao gồm: 982 cơ sở, vùng chăn nuôi gia cầm; 1.146 cơ sở, vùng chăn nuôi lợn và 173 cơ sở, vùng chăn nuôi gia súc khác. 

Cũng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, trước những thách thức, Bộ NN-PTNT đã có những bước chủ động về triển khai Luật Thú y. Các bệnh nguy hiểm trên vật nuôi và thủy sản đã đều nằm trong kế hoạch Quốc gia.

“Nếu chúng ta triển khai một cách đồng bộ những giải pháp được đúc rút từ thực tiễn sẽ mang lại hiệu quả và đảm bảo mục tiêu tổ chức sản xuất lại những mùa vụ mới, đáp ứng nhu cầu lương thực thực phẩm những tháng cuối năm, đặc biệt cho dịp Tết Nguyên đán”, lãnh đạo Bộ NN-PTNT khẳng định.

Cục phó Cục Thú y Nguyễn Văn Long thông tin, công tác nghiên cứu vacxin DTLCP hiện nay đã tiến tới bước cuối cùng. Bộ NN-PTNT đã thành lập Hội đồng khoa học, thực hiện khảo nghiệm trong tháng 11 theo dự kiến. Kết quả khả quan mang đến hi vọng vacxin DTLCP sẽ được phép lưu hành theo quy định trong năm 2021.

Bên cạnh đó, Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo 3 đơn vị doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, kiểm nghiệm vacxin VDNC theo quy định. Nhiều chuyên gia đã hi vọng cuối năm 2021, đầu năm 2022 sẽ có vacxin VDNC tại Việt Nam.

 

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 31
|
Tổng số truy cập: 14.620.638
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành