Quản lý chặt chẽ, không di chuyển trâu, bò đã khỏi triệu chứng lâm sàng ra khỏi vùng dịch trong khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày con gia súc cuối cùng khỏi bệnh lâm sàng và gia súc đã được tiêm vacxin VDNC.
Đối với địa phương chưa có dịch bệnh viêm da nổi cục, cần tăng cường giám sát giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp trâu, bò có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo quy định, xử lý, tiêu hủy gia súc tại địa phương mới phát dịch ở diện hẹp.
Các địa phương khẩn trương rà soát, tổng hợp nhu cầu vacxin VDNC, điều chỉnh, bổ sung hoặc xây dựng mới kế hoạch và bố trí kinh phí để thực hiện phòng, chống bệnh VDNC. Trong đó, lưu ý khẩn trương bố trí kinh phí mua vacxin và tổ chức tiêm phòng vacxin phòng bệnh VDNC
Tiêm phòng vacxin VDNC cho đàn trâu, bò tại các địa phương đã, đang có dịch bệnh VDNC và các địa phương có nguy cơ cao trong phạm vi bán kính 100km từ địa phương có dịch VDNC, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 90% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.
Đối với đàn trâu, bò tại các địa phương không thuộc phạm vi có nguy cơ cao (ngoài 100 km từ địa phương có dịch), căn cứ vào tình hình và điều kiện thực tế để quyết định sử dụng vacxin phòng bệnh viêm da nổi cục, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng đạt tối thiểu trên 80% số gia súc thuộc diện tiêm phòng.
Theo Cục Thú y, kết quả đánh giá hiệu lực, giám sát sau tiêm phòng đối với các loại vacxin phòng bệnh VDNC trong thời gian qua cho thấy các địa phương, doanh nghiệp chăn nuôi trâu, bò có thể lựa chọn vacxin Lumpyvac của Thổ Nhĩ Kỳ, Mevac LSD của Ai Cập để tổ chức tiêm phòng khẩn cấp phòng, chống dịch bệnh VDNC.
Bộ NN-PTNT lưu ý, tối thiểu 21 ngày sau tiêm phòng vacxin mới có đáp ứng miễn dịch phòng, chống bệnh có hiệu quả. Do đó, tại nhiều địa phương, trâu, bò có thể đã nhiễm mầm bệnh nhưng chưa phát bệnh lâm sàng, sau khi được tiêm vacxin, gia súc có thể phát bệnh, chết, cần được xử lý theo quy định.