banner
English
Tiếng Việt

Khủng hoảng giá heo: Nguy cơ từ thừa sang thiếu

Cập nhật: 19/10/2021
Lượt xem: 2383
Đồng Nai còn tồn hàng trăm ngàn con heo sau đợt giãn cách xã hội. Ảnh: Thanh Sơn.
Đồng Nai còn tồn hàng trăm ngàn con heo sau đợt giãn cách xã hội. Ảnh: Thanh Sơn.

Người nuôi heo đối mặt với 3 “dịch”

Theo ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, dù các tỉnh, thành phía Nam đang dần “mở cửa” trở lại nhưng tình hình tiêu thụ heo hơi vẫn đang rất khó khăn.

Các thương lái đã đi thu mua heo trở lại nhưng ở mỗi chuồng, họ chỉ bắt khoảng 30 - 40% trong tổng lượng heo cần bán và chỉ bắt heo đẹp. Còn heo quá lứa, cỡ 130 - 140 kg/con, gần như không được ngó ngàng tới.

Sở dĩ lượng heo hơi được thương lái thu mua rất thấp so với lượng heo cần được xuất chuồng, là do thị trường tiêu thụ thịt heo ở TP.HCM và các tỉnh Đông Nam bộ tuy đã có cải thiện nhưng vẫn còn ở mức khá thấp so với thời điểm trước khi bùng phát làn sóng thứ 4 của dịch Covid-19.

Nguyên nhân chính là do hầu hết các bếp ăn tập thể cung cấp suất ăn cho học sinh, công nhân ở các nhà máy, các khu công nghiệp vẫn chưa hoạt động trở lại.

Bên cạnh đó, nhiều người tiêu dùng trong khu vực do gặp khó khăn khi vừa trải qua đợt giãn cách xã hội kéo dài nên giảm tiêu thụ thịt heo, khi mà giá bán lẻ nhiều loại thịt vẫn ở mức khá cao.

Lượng heo tồn đọng do không tiêu thụ được trong mấy tháng giãn cách xã hội cũng đang tiếp tục gây áp lực lớn lên giá heo hơi ở Đồng Nai nói riêng, Đông Nam bộ nói chung. Theo ước tính của ông Đoán, mỗi tháng giãn cách xã hội, có khoảng 100 ngàn con heo bị tồn lại trong chuồng, 3 tháng giãn cách xã hội tồn đọng khoảng 300 ngàn con heo.

Ngoài ra, cũng theo ông Đoán, từ đầu năm đến nay, cả nước đã nhập khẩu khoảng 257 ngàn tấn thịt heo, tương đương với lượng heo giết mổ là 4 triệu con. Lượng thịt heo nhập khẩu khá lớn này cũng đang gây áp lực nhất định tới giá heo hơi trong nước.

Với những nguyên nhân như trên, giá heo hơi đã giảm rất mạnh. Hiện tại, ở Đồng Nai, heo hơi loại 1 ở các hộ chăn nuôi giá chỉ còn 39.000 - 40.000 đồng/kg, còn heo mỡ giá đã dưới 30.000 đồng/kg. Trong khi đó, do giá thức ăn trong năm nay tăng cao, cộng với các chi phí phòng chống dịch tả heo châu Phi, giá thành chăn nuôi heo ở các nông hộ đã lên tới trên 50.000 đồng/kg.

Ông Đoán cho rằng, do cùng lúc phải đố mặt với 3 cái dịch là dịch Covid-19, dịch bệnh trong chuồng (do lượng heo tồn lại quá nhiều) và “dịch” giá, nên tình cảnh của người nuôi heo hiện đang khá bi đát.

Ông Lê Xuân Huy, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam, cũng cho biết, giá heo hơi giảm xuống thấp như hiện nay là do lượng heo tồn đọng còn quá nhiều sau thời gian giãn cách xã hội.

Giá heo mỡ hiện chỉ còn 24.000 - 26.000 đồng/kg hơi, giá heo hơi loại 1 ở các trang trại từ 44.000 - 45.000 đồng/kg, nhưng lượng tiêu thụ được là rất ít.

Theo ông Huy, ngoài việc các bếp ăn tập thể chưa hoạt động, việc các chợ đầu mối ở TP.HCM chưa trở lại hoạt động thực sự giống như trước dịch (hiện các chợ đầu mối vẫn chỉ đang hoạt động như một trạm trung chuyển), nhiều chợ truyền thống chưa mở lại, các hàng ăn vẫn đang phải bán mang về … cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến cho lượng heo được tiêu thụ mỗi ngày còn khá thấp.

Nguy cơ thừa chuyển sang thiếu

Với nguyên nhân chính là lượng heo còn tồn đọng quá lớn trong khi thị trường chưa cải thiện được mấy, nên nhiều khả năng giá heo hơi sẽ còn ở mức thấp trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Kim Đoán phải mất ít nhất là 3 tháng nữa, mới giải quyết được hết lượng heo tồn đọng.

Ông Lê Xuân Huy nhận định lạc quan hơn, khi cho rằng phải 2 tháng nữa sẽ cơ bản giải quyết xong lượng heo còn tồn trong các trang trại, hộ chăn nuôi.

Khi ấy, giá heo hơi mới có cơ hội để tăng trở lại giống như trường hợp của gà công nghiệp. Mấy tháng trước, lượng gà công nghiệp tồn đọng quá lớn trong khi nhu cầu giảm mạnh do giãn cách xã hội, giá gà công nghiệp từng có thời điểm chỉ còn 5.000 đồng/kg hơi. Nhưng vào thời điểm này, giá gà công nghiệp đã ở mức 34.000 đồng/kg.
Người nuôi heo đang gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với 3 thứ ''dịch''. Ảnh: TL.

Người nuôi heo đang gặp nhiều khó khăn do phải đối mặt với 3 thứ "dịch". Ảnh: TL.

Mối lo lớn nhất hiện nay là nguy cơ xảy ra khủng hoảng thiếu thịt heo trong thời gian không xa, khi mà do không thể chịu nổi thua lỗ và việc tiêu thụ còn rất ảm đạm, nhiều trang trại đang phải “phá” đàn.

Ông Đoán cho biết, một trong những cách phá đàn mà nhiều hộ chăn nuôi đang thực hiện là ngay sau khi heo nái sinh con, chủ trại hủy luôn đàn heo con, chỉ giữ lại heo mẹ, chấp nhận lỗ 5 - 6 triệu đồng. Bởi nếu nuôi lứa heo con ấy, đến lúc bán, khoản lỗ có thể lên tới 15 - 16 triệu đồng nếu như giá heo giống, heo thịt vẫn quá thấp như hiện tại.

Lãnh đạo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cũng đề nghị các Bộ, ngành liên quan cần nhanh chóng vào cuộc, xem xét có giải pháp nào đó để giảm lượng thịt heo nhập khẩu nhằm góp phần giúp cải thiện việc tiêu thụ cũng như giá heo hơi trong nước. Bởi nếu việc tiêu thụ khó khăn và giá heo ở mức quá thấp tiếp tục kéo dài, nguy cơ chuyển từ dư thừa sang thiếu hụt thịt heo là khó tránh khỏi.


TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 43
|
Tổng số truy cập: 14.620.013
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành