|
Mưa sao băng. Ảnh: NASA. |
Trong tháng 8 này, hiện tượng thiên văn đáng chú ý nhất là mưa sao băng Perseids - một trong những trận mưa sao băng lớn nhất trong năm với cực điểm sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày 13 và 14 tới.
"Do thời gian cực điểm của trận mưa sao băng vào đúng thời điểm trăng rằm, nên ánh trăng sẽ gây cản trở cho việc quan sát. Do đó câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư Hà Nội sẽ tổ chức quan sát sớm hơn vào ngày mai", bạn Trương Ngọc Khánh, chủ nhiệm Hội thiên văn nghiệp dư Hà Nội nói.
Khánh cho biết, tại Hà Nội, thời gian quan sát lúc diễn ra từ lúc 20h30 tại thôn Đình, xã Đại Mỗ, huyện Từ Liêm. Bên cạnh quan sát mưa sao băng, người yêu thiên văn còn có thể chiêm ngưỡng một số chòm sao mùa hè. Tuy nhiên trong đêm mai số lượng sao băng xuất hiện có thể ít hơn mức cực đại - 100 đợt mỗi giờ.
Nguyễn Thanh Hiền, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn Bách Khoa Đà Nẵng, cho biết sẽ tổ chức cho những người yêu thiên văn tập trung tại ngọn đồi thuộc dãy núi Phước Tường, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu xem mưa sao băng vào lúc 17h30 ngày mai.
Còn tại TP HCM do thời tiết không thuận lợi nên việc chủ nhiệm Câu lạc bộ thiên văn nghiệp dư TP HCM Đặng Tuấn Duy cho biết sẽ không tổ chức quan sát mưa sao băng trong đợt tháng 8 này. "Mấy ngày qua, thời tiết ở khu vực miền Nam thất thường, thường có mây đen và mưa vào ban đêm", Tuấn Duy nói.
Đặng Vũ Tuấn Sơn, chủ nhiệm câu lạc bộ thiên văn học trẻ Việt Nam, cho rằng điều kiện gần ngày rằm và mặt trăng sáng có thể khiến việc quan sát khó hơn. Tuy nhiên vào khoảng thời gian 3 giờ sáng ngày 13 và 14, mặt trăng lặn dần về phía bầu trời phía tây, tây nam nên không gây ảnh hưởng nhiều đến việc quan sát trận mưa sao băng. Yếu tố quyết định vẫn là thời tiết. "Nếu thời tiết thuận lợi có thể chờ đến cực điểm mưa sao băng để quan sát", Sơn nói.
Các chuyên gia thiên văn khuyên rằng việc quan sát nên thực hiện sau 12h đêm, lý tưởng nhất là từ 2h đến 4h sáng. Người quan sát nên nằm ngửa để được mãn nhãn. Kính thiên văn hay ống nhòm có thể sử dụng nhưng không nhất thiết.
Perseids là một trong hai trận mưa sao băng lớn nhất hàng năm trên khí quyển của chúng ta. Nguồn gốc của trận mưa sao băng này là sao chổi Swift–Tuttle. Vào cực điểm, mưa sao băng Perseids cho phép quan sát 60-100 sao băng mỗi giờ.
Hương Thu