Quy mô đàn lợn đứng thứ 6 - 7 thế giới, giá lợn hơi vẫn thất thường
Trong văn bản kiến nghị một số giải pháp phát triển chăn nuôi bền vững gửi đến Thủ tướng Chính phủ, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, dù quy mô đàn lợn của Việt Nam đứng thứ 6-7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới nhưng điều khiến người chăn nuôi đau đầu vẫn là giá lợn hơi, giá gia cầm biến động thất thường, trong khi chi phí sản xuất ngày càng tăng cao.
Khảo sát của Dân Việt ở một số địa phương cho thấy, giá lợn hơi hiện nay ở nhiều địa phương đã xuống dưới mức 40.000 đồng/kg.
Tại miền Bắc, giá lợn hơi hôm nay chỉ dao động trong khoảng 35.000 - 38.000 đồng/kg.
Giá lợn hơi ở miền Trung - Tây Nguyên cao hơn một chút nhưng cũng chỉ dao động trong khoảng 38.000 - 44.000 đồng/kg; trong khi giá lợn hơi ở miền Nam trong khoảng 40.000 - 44.000 đồng/kg.
Riêng giá gia cầm sau thời gian dài ở mức thấp đã có dấu hiệu tăng.
Theo Hội Chăn nuôi Việt Nam với mức tăng trưởng bình quân từ 5-6%/năm, ngành chăn nuôi đáp ứng cơ bản nhu cầu thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và gia tăng xuất khẩu.
Nhiều lĩnh vực của chăn nuôi Việt Nam đã có thứ bậc cao trong khu vực và trên thế giới, như: quy mô đàn lợn đứng thứ 6-7, đàn thủy cầm đứng thứ 2 thế giới, công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi, năng suất bò sữa và công nghiệp chế biến sữa đứng đầu các nước ASEAN...
Tuy vậy, Hội Chăn nuôi Việt Nam cho rằng, sản xuất chăn nuôi trong nước vẫn tồn tại không ít khó khăn, bất cập đang là trở ngại lớn đến sự phát triển bền vững trong thời gian tới, nhất là trong điều kiện dịch bệnh, biến đổi khí hậu và khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam ký kết phát huy hiệu lực...
Nguyên nhân là do chăn nuôi quy mô nhỏ, số người tham gia hoạt động chăn nuôi chiếm tỷ lệ rất cao, mức đầu tư cho chăn nuôi thấp, trình độ quản trị sản xuất, kinh doanh theo ngành hàng còn nhiều bất cập.
Hiện nay, cả nước có hơn 2,0 triệu hộ nuôi lợn, gần 2,2 triệu hộ nuôi trâu bò, gần 7,0 triệu hộ nuôi gia cầm và hàng trăm ngàn hộ nuôi các loại vật nuôi khác.
Kiểm soát dịch bệnh, giết mổ, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi còn nhiều tồn tại. Chi phí đầu vào của sản xuất chăn nuôi trong nước thuộc nhóm cao trong khu vực, nhất là chi phí mặt bằng, vận chuyển và tín dụng. Tỷ trọng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y cao.
"Việc nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là các loại thực phẩm giá rẻ ngày càng gia tăng, nhất là khi các dòng thuế quan nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi đang trở về mức 0% thì áp lực thị trường với chăn nuôi trong nước sẽ là vô cùng lớn" - Hội Chăn nuôi Việt Nam nhấn mạnh.
Đáng chú ý, Hội Chăn nuôi cho rằng, tổ chức bộ máy hệ thống quản lý ngành chăn nuôi, thú y hiện nay không còn phù hợp với yêu cầu phát triển và hội nhập của ngành chăn nuôi, đang làm giảm đi hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và làm gia tăng những tồn tại bất cập của các yếu tố nội tại chủ quan, cũng như áp lực khách quan đối với chăn nuôi nước ta.
Kiểm soát chặt việc nhập khẩu thịt để "cứu" giá lợn hơi trong nước
Từ những vấn đề còn tồn tại của ngành chăn nuôi, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ NNPTNT cCơ cấu và chỉ đạo điều hành sản xuất theo các ngành hàng đối với một số sản phẩm chăn nuôi chính, như: thịt lợn, thịt gia cầm, thịt trâu bò, trứng và sữa theo các chuỗi liên kết khép kín phù hợp với tiềm năng, nhu cầu của thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.
Trong đó, cần phát huy tối đa vai trò của các doanh nghiệp, hiệp hội để cân đối, điều hòa sản xuất sát hơn với thị trường.
Năm 2020 so với năm 2019 nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44%
Phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất Chính phủ sáp nhập Cục Chăn nuôi và Cục Thú y thành Cục Chăn nuôi và Thú y (hoặc Cục Phát triển chăn nuôi) phù hợp với hệ thống tổ chức ngành chăn nuôi, thú y ở cấp địa phương.
Đặc biệt, Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ NNPTNT phối hợp với Bộ Công Thương kiểm soát chặt vấn đề nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi, nhất là sản phẩm giá rẻ và vật nuôi sống thương phẩm.
"Có nhiều mặt hàng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu đã tăng đột biến trong thời gian gần đây, năm 2020 so với năm 2019 nhập khẩu thịt lợn tăng 404%, thịt gia cầm tăng 15%, thịt trâu bò tăng 44% đã gây thêm rất nhiều khó khăn cho sản xuất chăn nuôi trong nước" - Hội Chăn nuôi Việt Nam nêu rõ.
Hội Chăn nuôi Việt Nam cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công Thương tạo điều kiện tốt nhất cho hoạt động lưu thông và bình ổn thị trường sản phẩm chăn nuôi phù hợp nhằm khuyến khích sản xuất chăn nuôi trong nước phát triển; mở rộng hệ thống cửa hàng, siêu thị thực phẩm mát trên thị trường, ngay cả ở các vùng nông thôn.
Đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi, trong đó chú ý đến các sản phẩm thịt gia cầm đã qua xử lý nhiệt, đây sẽ là mặt hàng có lợi thế của chăn nuôi trong nước thời gian tới;
Đàm phán với các nước xuất khẩu lớn (Mỹ, Brazil, Argentina, Ấn Độ, Australia, Nga, Ucraina...) có chính sách, điều kiện thương mại ưu đãi cho xuất khẩu mặt hàng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, thủy sản vào Việt Nam, vì hiện nay nước ta đang nhập siêu về nhóm mặt hàng này (trung bình khoảng 6-6,5 tỷ USD/năm).
Bộ Tài chính rà soát điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản xuất chăn nuôi trong nước theo các khung thuế xuất mà Việt Nam đã cam kết trong các hiệp định thương mại. Trong đó: tăng hoặc giữ mức thuế nhập với mặt hàng thịt lợn, thịt gia cầm; giảm thuế nhập khẩu với ngô, đậu tương.
Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng ưu đãi, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho doanh nghiệp và người chăn nuôi vay vốn khôi phục sản xuất.
Bộ Giao thông vận tải: có chính sách khuyến khích đầu tư phát triển hệ thống kho, cảng biển, cảng sông và logistics hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và nông sản.
Bộ Tài nguyên và Môi trường có chính sách về đất đai cho phát triển chăn nuôi trang trại tập trung quy mô lớn phù hợp với Luật Chăn nuôi và Luật Đất đai sửa đổi; điều chỉnh các quy chuẩn kỹ thuật về nước thải phù hợp với thực tế của ngành chăn nuôi trong nước.
K.Nguyên - Báo Dân Việt