banner
English
Tiếng Việt

Nông dân Thái Lan tố chất diệt cỏ glufosinate gây hại cây trồng

Cập nhật: 30/09/2020
Lượt xem: 698

10 triệu nông dân bị thiệt hại 

Thậm chí Liên hiệp các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) còn hối thúc Bộ trưởng Công nghiệp Suriya phải xem xét lại lệnh cấm sử dụng các hóa chất nông nghiệp từng gây ra rất nhiều tranh cãi và biểu tình vài năm qua.

Nông dân Thái Lan phun thuốc trừ sâu tại một cánh đồng ngô ở tỉnh Nakhon Ratchasima hôm 12/6/2019. Ảnh: Reuters

Nông dân Thái Lan phun thuốc trừ sâu tại một cánh đồng ngô ở tỉnh Nakhon Ratchasima hôm 12/6/2019. Ảnh: Reuters

Hiệp hội Nông nghiệp An toàn Thái Lan cho biết, đã nhận được khiếu nại của sáu tổ chức sản xuất các loại cây trồng bị ảnh hưởng do sử dụng chất diệt cỏ glufosinate theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp. Nguyên do bắt nguồn từ lệnh cấm nông dân không được sử dụng hóa chất paraquat quen thuộc trước đây và glufosinate được thay thế để phun xịt các loại cỏ dại có hiệu lực từ 1/4/2020 nhưng sau đó đã phải lùi lại 2 tháng. Kết quả là tất cả các loại cây trồng đã bị phá hủy do hấp thụ chất độc.

Theo số liệu của Liên Hợp quốc, lệnh cấm thuốc trừ sâu paraquat của Thái Lan có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu lúa mì và đậu nành của Mỹ và Brazil, trị giá hơn 1 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, theo ước tính của một ngành công nghiệp ở Thái Lan, lệnh cấm cũng gây ảnh hưởng đến chuỗi cung cấp thực phẩm trong nước, đẩy chi phí sản xuất tăng thêm hàng chục tỷ USD mỗi năm, đồng thời cắt giảm hàng triệu việc làm.

Theo các nguồn tin trong nước, hiện FTI cũng đã nhận thấy những tác động của lệnh cấm hóa chất paraquat nên đã đệ trình một lá thư lên Bộ trưởng Công nghiệp Suriya Juangroongruangkit, yêu cầu hủy bỏ lệnh cấm paraquat đã gây ra thiệt hại, ước khoảng hai nghìn tỷ bạt.

Ông Sukan Sungwanna, Tổng thư ký kiêm Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp An toàn tiết lộ: “Hiện nông dân từ 19 tổ chức liên minh, bốn định chế trong ngành mía đường và 37 Hiệp hội nông dân trồng mía, dầu cọ, sắn, cao su, cây ăn quả, ngô ngọt và ngô sinh khối  đã bị ảnh hưởng nặng nề do sử dụng chất diệt cỏ glufosinate theo khuyến cáo của Bộ Nông nghiệp và các tổ chức phi chính phủ”.

Ông Montri Kampon, Chủ tịch Hiệp hội những người trồng mía Thái Lan cho hay, nông dân trồng mía trên cả nước phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề từ lệnh cấm sử dụng paraquat khiến cho chi phí lao động và các dịch vụ đầu vào sản xuất bị đẩy lên cao hơn. Hơn nữa, nông dân trồng mía phải sử dụng nhiều glufosinate hơn so với paraquat. Trên thực tế, chất diệt cỏ glufosinate không những không thể diệt cỏ mà nó còn ngăn cây mía phát triển. Ước tính hơn 400.000 hộ nông dân, tương đương 10 triệu nông dân Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi chính sách này.

Bà Thipawan Yongprayod, Tổng thư ký Hiệp hội những người trồng mía Thái Lan cho biết thêm, ngành mía đường đã tham vấn với Bộ trưởng Nông nghiệp về việc cấm sử dụng paraquat đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất mía nguyên liệu, không đủ cung cấp cho các nhà máy đường. Tuy nhiên những thông tin phản hồi vẫn ủng hộ việc cấm sử dụng paraquat và còn bị nghi ngờ là quảng bá cho chất hóa học không hiệu quả”.

Quyết không thay đổi vì sức ép

 

“Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp hứa sẽ gửi công văn xem xét lại lệnh cấm sử dụng paraquat sang Bộ Công nghiệp. Dự kiến nông dân trồng mía và các nhà máy mía đường sẽ giáp mặt với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Suriya Juangroongruangkit, người đang kiêm nhiệm chức Chủ tịch Ủy ban các chất độc hại để công khai chủ đề khẩn cấp này, trước khi ngành mía đường sụp đổ”, bà Thipawan nói.

Nông dân Thái Lan biểu tình phản đối lệnh cấm paraquat làm đội chi phí sản xuất từ 30-40%. Ảnh: BKP

Nông dân Thái Lan biểu tình phản đối lệnh cấm paraquat làm đội chi phí sản xuất từ 30-40%. Ảnh: BKP

Theo ông Kriengkrai Thiennaku, Phó Chủ tịch FTI:“Hóa chất là ngành công nghiệp đầu nguồn của nhiều ngành sản xuất trong nước, bao gồm hóa dầu, nhựa, dược phẩm, nông nghiệp, thực phẩm và các ngành công nghiệp ô tô rất quan trọng đối với nền kinh tế Thái Lan. Các loại hóa chất vốn rất cần thiết cho ngành nông nghiệp để phòng trừ sâu bệnh cả trên thực vật và động vật nên việc sử dụng sai hóa chất có thể có tác động tiêu cực đến sinh kế nông dân theo nhiều cách. Do vậy điều quan trọng là phải cung cấp kiến ​​thức chính xác để sử dụng và quản lý an toàn các loại hóa chất”.

Theo nhiều nghiên cứu, paraquat có liên quan đến bệnh Parkinson và hóa chất này hiện đã bị cấm ở Liên minh châu Âu và Trung Quốc, chính Brazil cũng cấm sử dụng vào cuối năm nay. Trong khi một số nghiên cứu cũng chỉ ra rằng chlorpyrifos (đã bị cấm ở châu Âu và bang California của Mỹ) làm suy giảm sự phát triển não bộ ở trẻ em.

Chuyên gia Petcharat Eksangkul cũng đồng quan điểm trên và cho rằng, hai lệnh cấm nông dân sử dụng paraquat và chlorpyrifos cùng với khuyến cáo hạn chế sử dụng hóa chất glyphosate đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến ngành công nghiệp hóa chất và các ngành nghề liên quan, với thiệt hại khoảng hơn hai nghìn tỷ bạt trong thời gian qua.

Trước đó, hôm 3/9 FTI đã tổ chức một cuộc thảo luận nhằm đánh giá những ảnh hưởng của việc cấm paraquat và chlorpyrifos và đơn vị tổ chức đã gửi thư tới Bộ trưởng Bộ Công nghiệp yêu cầu xem xét toàn diện các thông tin liên quan. Theo đó FTI tiếp tục đề nghị  Ủy ban Các chất độc hại xem xét các biện pháp một cách cẩn thận vì thiệt hại đã xảy ra với nông dân.

Sau đó Bộ trưởng Nông nghiệp Thái Lan Chalermchai Srion cũng đã gửi một lá thư đến Ủy ban Các chất độc hại và vẫn đang chờ phản hồi từ Bộ trưởng Công nghiệp Suriya Juangroongruangkit có phản ứng phù hợp trước sức ép của các tổ chức cũng như quyền lợi của hàng triệu nông dân.

Tuy nhiên theo các thông tin mới cập nhật ngày 29/9/2020, Ủy ban Các chất độc hại Thái Lan vẫn ủng hộ các nhóm người tiêu dùng giữ nguyên lệnh cấm sử dụng paraquat và chlorpyrifos trong lĩnh vực nông nghiệp.

"Đây là quyết định lần cuối cùng và không nên có thêm bất kỳ yêu cầu nào để xem xét lại giải pháp của chúng tôi vì ủy ban đã nói rõ rằng, những hóa chất này rất nguy hiểm cho sức khỏe của người dân và hiện chúng cũng đã bị nhiều quốc gia khác cấm sử dụng", ông Suriya Juangroongruangkit cho biết.

 

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 7
|
Tổng số truy cập: 14.417.593
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành