Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định việc tỉnh Thái Bình giữ lại được hệ thống thú y là một quyết định sáng suốt. Ảnh: Phạm Hiếu.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Thái Bình, kết quả, giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2020 của địa phương đạt 9.314 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng 3,88% so năm 2019. Cụ thể tổng đàn lợn đạt 796,4 nghìn con, tăng 5,0% so với cùng kỳ; sản lượng thịt hơi 163,7 nghìn tấn. Cơ cấu đàn chuyển biến tích cực, đàn lợn nái ngoại, nái lai F1, F2 chiếm chủ yếu (trên 75%), tăng khoảng 25-30% so với năm 2015. Đàn lợn đực giống có khoảng 1.000 con, cơ bản đảm bảo yêu cầu giống, và được nuôi chủ yếu trong các trại khép kín (91%). Đàn lợn thịt phần lớn là lợn ngoại và lợn lai từ % máu ngoại trở lên (trên 90%).
Tổng đàn gia cầm thường xuyên trên 14 triệu con, trong đó đàn gà trên 10,4 triệu con; sản lượng thịt gia cầm các loại đạt 66,2 nghìn tấn, tăng 5,6% so cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm đạt 327,3 triệu quả, tăng 2,4% so với năm 2019. Các giống gia cầm phát triển mạnh là gà Ri lai; giống gia cầm chuyên trứng (Ai Cập lai); giống vịt kiêm dụng, giống vịt ngan chuyên thịt...
Thái Bình có nhà máy ấp trứng gia cầm của Công ty Japfa Comfeed (Đông Hải, Quỳnh Phụ), công suất 54 triệu con gia cầm giống/năm; và gần 20 cơ sở ấp nở, sản xuất cung ứng con giống; tuy nhiên, một phần con giống gia cầm nuôi trong tỉnh vẫn phải nhập từ tỉnh ngoài và ngược lại, con giống của tỉnh vẫn cung ứng cho tỉnh ngoài.
Năm 2020, đàn trâu, bò của Thái Bình đạt 57,2 nghìn con, tăng 2,3% so cùng kỳ; trong đó đàn bò đạt 50,9 nghìn con, tăng 2,8%. Sản lượng thịt trâu, bò hơi xuất chuồng đạt 10 nghìn tấn, tăng 6,04%; trong đó, sản lượng thịt bò đạt 9,1 nghìn tấn, tăng 6,1% so với năm 2019.
Công tác phối giống đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo được tăng cường chỉ đạo thực hiện; tinh bò được sử dụng chủ yếu là giống bò Brahman. Năm 2020, trên 1.600 con trâu, bò cái sinh sản tại gần 300 cơ sở chăn nuôi được giám định, bình tuyển; kết quả số trâu bò đạt tiêu chuẩn về ngoại hình chiếm 91,5%.
Hiện toàn tỉnh có 837 trang trại chăn nuôi, gồm 487 trang trại chăn nuôi lợn; 258 trang trại chăn nuôi gia cầm; 92 trang trại chăn nuôi trâu, bò. Số nông hộ chăn nuôi có khoảng 250.000 hộ.
Hiện nay tỉnh Thái Bình đang gặp phải 4 khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực chăn nuôi. Một là nguồn giống lợn khan hiếm, giá cao, nhất là nguồn giống an toàn dịch bệnh; giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, tăng cao. Từ đầu năm 2020 đến nay, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 10 đợt, có những loại thức ăn tăng đến hàng trăm nghìn đồng/bao 25kg. Thị trường tiêu thụ ngày càng biến động, nguy cơ rủi ro cao; trong khi chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ còn tỷ lệ lớn (trên 60% tổng đàn) và có nhiều khó khăn để thực hiện tái đàn, đầu tư phát triển sản xuất.
Hai là việc bệnh Dịch tả lợn Châu Phi tái phát trên địa bàn tỉnh. Trong khi đó quy định về tái đàn sau dịch khi đáp ứng đủ các yêu cầu về chăn nuôi an toàn sinh học, nhất là đối với bệnh Dịch tả lợn Châu Phi là rất khó triển khai thực hiện tại cơ sở; bệnh chưa có vacxin tiêm phòng. Các dịch bệnh nguy hiểm khác như lở mồm long móng, tai xanh luôn tiềm ẩn nguy cơ cao. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đã xảy ra trên địa bàn tỉnh từ ngày 27/2/2021 và đang có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây tâm lý lo ngại trong đầu tư chăn nuôi.
Ba là xuất hiện nhiều khó khăn trong thực hiện tích tụ đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất dành cho chăn nuôi, trồng cây thức ăn cho trâu bò, xây dựng cơ sở giết mổ, chế biến...; tỉnh chưa có doanh nghiệp đầu tầu trong thu mua, giết mổ, chế biến các sản phẩm chăn nuôi của tỉnh; cơ sở giết mổ nhỏ, lẻ vẫn là chủ yếu.
Bốn là những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện Luật Chăn nuôi và các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật.
Thái Bình cần lập một kế hoạch cho tất cả các yếu tố như cơ cấu đàn gia súc gia cầm, giống, thức ăn
dinh dưỡng gắn với chế biến… Ảnh: Phạm Hiếu.
Theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, Bộ NN-PTNT đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Thái Bình đã đạt được trong nhiệm kì vừa qua.
“Nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn luôn là lĩnh vực quan trọng đối với đất nước. Qua mỗi bước khó khăn trong lịch sử đều khẳng định được vai trò trụ đỡ về nền tảng của nông nghiệp”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Cũng theo lãnh đạo Bộ NN-PTNT, trên cơ sở chiến lược ngành chăn nuôi từ năm 2021 – 2030 tầm nhìn năm 2045, tỉnh cần lập một kế hoạch cho tất cả các yếu tố như cơ cấu đàn gia súc gia cầm, giống, thức ăn dinh dưỡng gắn với chế biến… và phải đặt trong điều kiện sinh thái kinh tế xã hội an ninh quốc phòng của tỉnh.
Về lĩnh vực thú y phòng bệnh, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định để sắp tới có thể đạt sản lượng 6,3 triệu tấn thịt và 1.723 tỷ quả trứng cùng 9,8 tấn thủy sản thì thú y phải được đưa lên hàng đầu. Nếu không có hệ thống thú y sẽ không thể ngăn chặn dịch bệnh từ động vật sang người. Có hệ thống thú y thì mới có thể phòng chống dịch bệnh hướng đến xuất khẩu.
“Hiện nay cả 14 Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) cũng cần phải truy xuất được nguồn gốc. Thủy sản cũng cần truy xuất nguồn gốc, chăn nuôi cũng cần truy xuất nguồn gốc. Vấn đề an toàn thực phẩm là rất quan trọng. Tỉnh Thái Bình giữ lại được hệ thống thú y là một quyết định sáng suốt”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đánh giá.
Phạm Hiếu - NNVN