banner
English
Tiếng Việt

Thú y cơ sở như con bò què chân: [Bài 1] Tan rã hệ thống thú y cơ sở

Cập nhật: 08/04/2022
Lượt xem: 305

Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai và một số tỉnh vừa ra thông báo thống nhất việc tái lập lại Trạm thú y cấp huyện.  Thanh Hóa là tỉnh có quy mô, tổng đàn chăn nuôi lớn thì sao?

Trả giá đắt cho việc gộp cơ học

Cả nước hiện có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y (Trạm Thú y trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y). Các tỉnh còn lại, nhiều nơi thành lập các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện, trong đó gom các cơ quan chuyên môn như Khuyến nông, Bảo vệ thực vật và Thú y vào trong Trung tâm ấy.

Sau 3 năm thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, không những trái với Luật thú y mà còn bất cập trong quản lý nhà nước, vận hành chuyên môn trong thực tế, gây ra nhiều mất mát, thiệt hại cho người dân.
Thanh Hóa đã phải trả cái giá quá đắt sau khi hệ thống thú y cơ sở tan rã. Ảnh: VD.
Thanh Hóa đã phải trả cái giá quá đắt sau khi hệ thống thú y cơ sở tan rã. Ảnh: VD.

Hệ thống thú y cơ sở tan rã

Tại Thanh Hóa, sau khi thành lập các trung tâm dịch vụ nông nghiệp, hệ thống thú y viên cơ bản tan rã. Là một trong các tỉnh có tổng đàn vật nuôi lớn nhất cả nước nhưng hiện Thanh Hóa có 72 xã phường không có nhân viên thú y; trên 106 xã nhân viên thú y kiêm nhiệm; 73 nhân viên thú y chuyên trách hoặc kiêm nhiệm được bố trí trái chuyên môn.


Nhìn thấy rõ những tồn tại hạn chế đó, 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã không nhập; các tỉnh Long An, Vĩnh Long, Bắc Ninh, Lào Cai đã lập lại Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục chăn nuôi và thú y cấp tỉnh. Tại Thanh Hóa, Sở Nông nghiệp – Phát triển nông thôn (NN – PTNT) đã có văn bản tham mưu UBND tỉnh cho tái lập lại Trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện.

Đề xuất này của Sở NN - PTNT đã nhận được sự đồng tình, thống nhất cao của các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Ngày 30/3/2022, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa xung quanh vấn đề này.

Nội hàm văn bản, Sở Nội vụ thống nhất với đề xuất của Sở NN – PTNT và các huyện, đồng thời đề xuất Ban Cán sự Đảng và UBND tỉnh sớm báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho triển khai việc tái lập các Trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh.

Xung quanh vấn đề này, PV NNVN đã tìm hiểu từ nội tại của ngành và thực tế ở cơ sở. Câu hỏi đầu tiên mà chúng tôi đặt ra cho ông Đặng Văn Hiệp, Chi cục trưởng Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh Thanh Hóa rằng, tại sao lại phải tái lập lại các Trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện, trong khi nhà nước có chủ trương tinh gọn bộ máy, giản biên chế và đẩy mạnh chăn nuôi tập trung quy mô lớn?

Ông Hiệp không trả lời câu hỏi mà đề nghị Báo Nông nghiệp Việt Nam dành thời gian đi thực tế cơ sở ít ngày để ghi nhận nội hàm vấn đề, từ đó sẽ thấy được bất cập, hạn chế và sẽ có những điều PV sẽ tìm thấy câu trả lời từ thực tế.

Bài liên quan

Trước lúc lên đường, ông Hiệp có nhắn rằng, về nhận thức chung thì chủ trương nào Chi cục cũng đều nghiêm túc chấp hành và triển khai thực hiện.

Song, từ thực tiễn hoạt động 3 năm sau sáp nhập, Chi cục mạnh dạn đề xuất các cấp nghiên cứu xem xét sớm việc tái lập lại các Trạm chăn nuôi và thú y cấp huyện vì đó là việc làm cấp bách, đúng đắn nhằm đáp ứng tốt nhất cho người chăn nuôi, kể cả những khu chăn nuôi lớn, tập trung. Các khu chăn nuôi lớn tập trung lâu nay cứ nghĩ mình có một quy trình chăn nuôi nghiêm ngặt, nhân viên thú ý ở ngay tận chuồng trại… Nhưng họ quên rằng, dịch bệnh trong chăn nuôi lây lan qua nhiều đường, trong đó có đường không khí và nguồn nước. Vì thế một sự chủ quan nào có tính hệ thống đều bị trả giá đắt.

Từ đó, chúng tôi đi tìm câu trả lời!

Ngày 3/2/2021, UBND Phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn nhận được thông tin dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò xuất hiện tại hộ bà Lê Thị Hưởng, tổ dân phố Phú Đông. Điều đáng nói, triệu chứng bệnh viêm da nổi cục trên đàn trâu, bò tại phường Hải Lĩnh đã xuất hiện trước đó nhưng phải 10 ngày sau, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp Thị xã Nghi Sơn mới nhận được thông tin.

Sau đó, chính quyền địa phương và ngành thú y từ thị xã đến tỉnh mới triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Chi cục chăn nuôi thú y tỉnh Thanh Hóa đã cử một đoàn công tác túc trực để ngăn chặn sự lây lan của bệnh.

Dù cố gắng nhưng dịch bệnh viêm da nổi cục đã lan rộng tại Thanh Hóa. Công tác phòng chống dịch, vì thế hết sức khó khăn, gây thiệt hại lớn. Đã có 7.200 con trâu, bò mắc bệnh; tiêu hủy trên 2 nghìn con; hàng nghìn hộ chăn nuôi lao đao.

Nguyên nhân ngay sau đó được mổ xẻ. Ông Lê Đức Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trong một chuyến công tác nắm tình hình dịch bệnh ở thị xã Nghi Sơn đã thẳng thắn phê bình địa phương vì thiếu trách nhiệm trong phòng chống bệnh trên đàn gia súc. Ông Giang đề nghị Thị xã Nghi Sơn kiểm điểm các thành viên trong ban chỉ đạo phòng chống dịch.

Câu chuyện này chỉ như giọt nước tràn ly khi trước đó, công tác phòng chống dịch bệnh đàn gia súc đã thể hiện quá nhiều bất cập sau khi các trạm thú y, khuyến nông và bảo vệ thực vật trước nay vốn thuộc ngành dọc quản lý đã được sáp nhập và thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp trực thuộc UBND huyện.

Ông Lê Văn Học, Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Nghi Sơn cho hay, căng nhất trong phát hiện, triển khai các phương án phòng chống dịch bệnh hiện nay là hệ thống thú y cơ sở đang tan rã. Sau khi thành lập, trung tâm dịch vụ nông nghiệp có 10 người, trong đó chỉ có 3 người chuyên ngành thú y.

Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuyên xuất hiện, gây thiệt hại lớn. Ảnh: VD.

Dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm thường xuyên xuất hiện, gây thiệt hại lớn. Ảnh: VD.

Trái khoáy nhất tại Nghi Sơn theo tìm hiểu của chúng tôi thì Trưởng phòng Kinh tế kiêm luôn Giám đốc trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Về mặt lý thuyết thực hiện quy định của nhà nước như vậy là không đúng, còn về thực tiễn thì rõ ràng bất cập vô cùng, nhất là việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của một trung tâm dịch vụ có tính đặc thù. Điều này là quá bất cập khi Nghi Sơn, dù đã lên thị xã nhưng sản xuất nông nghiệp vẫn là chủ đạo. Với 300.000 gia súc gia cầm, chăn nuôi vẫn chiếm trên 30% tỷ trọng ngành nông nghiệp.

Cũng theo lãnh đạo Trung tâm, sau khi lên thị xã, 15 xã tại Nghi Sơn vẫn duy trì đội ngũ thú y viên cơ sở; 16 phường còn lại đều kiêm nhiệm. Điều đáng nói, dù là ngành có tỷ trọng đóng góp lớn trong nông nghiệp nhưng hầu hết các phường bố trí những người không có chuyên môn về thú y kiêm nhiệm nhiệm vụ này.

Cán bộ địa chính kiêm chức năng thú y

Tại xã Quảng Nhân (huyện Quảng Xương), sau khi ông Nguyễn Công Mùi được cho nghỉ nhân viên thú y, Bí thư đoàn xã được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm. Khi Bí thư đoàn xã đi học, người phụ trách thay lại có chuyên ngành sư phạm. Ông Mùi cho rằng, ở một địa bàn chăn nuôi vẫn là sinh kế chính của người dân, bố trí nhân viên thú y như vậy sẽ khiến công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.

Ông Nguyễn Công Mùi cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương gặp những bất cập. Ảnh: VD.

Ông Nguyễn Công Mùi cho biết, công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương gặp những bất cập. Ảnh: VD.

“Không có chuyên môn thì công tác nắm tình hình, chẩn đoán bệnh sẽ rất khó. Cứ phải có chuyên môn, chuyên trách thì mới sâu sát với tình hình dịch bệnh được” – ông Mùi chia sẻ.

Cũng theo ông Mùi, công tác phòng chống dịch bệnh ở địa phương gặp những bất cập, dịch bệnh, giá cả thất thường khiến việc chăn nuôi của người dân ở đây đang trên đà tụt giảm thảm hại. Đàn lợn nái ở đây hiện chỉ còn khoảng 100 con so với thời cao điểm là 700 con. Đàn trâu bò cũng giảm rất mạnh.

Trong nông nghiệp thuần túy, chăn nuôi là nguồn thu nhập chính vì tận dụng được thời gian và phụ phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên, khi chăn nuôi xuống dốc, đời sống của nông dân gặp nhiều khó khăn thì chỉ còn mỗi con đường đi làm công nhân, đi làm thuê kiếm sống. Khốn nỗi, những công việc đó vốn chỉ dành cho lứa tuổi trung niên và thanh niên còn người già thì vô cùng chật vật.

Ông Lê Ngọc Hưng, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn cho biết, sau khi sáp nhập 3 đơn vị (Trạm thú y, Khuyến nông và BVTV), nhân viên thú y tại phường được bố trí kiêm nhiệm, trái chuyên môn. Vì vậy, khi dịch bệnh xuất hiện cán bộ phường rất lúng túng. Lúc đầu, nhiều người cho rằng, dịch viêm da nổi cục trâu, bò ở phường Hải Lĩnh là bệnh ký sinh trùng nên đã tự điều trị, khi bệnh nặng và dấu hiệu lâm sàng rõ ràng thì người dân mới báo cho phường.

“Cán bộ kiêm nhiệm không thể bám sát địa bàn bằng cán bộ bán chuyên trách được. Trước đây, khi có dịch bệnh thì thú y viên của xã điện thoại báo cáo ngay cho trạm thú y. Theo ngành dọc, trạm sẽ báo cáo với Chi cục Thú y. Còn nay, báo cáo phải qua nhiều bước, mất thời gian vì cả một quy trình nên không thể tránh khỏi việc thông tin chậm, gián đoạn.” – ông Hưng lý giải.

Hỏi cụ thể hơn, ông Hưng cho hay, trước nếu phát hiện gia súc, gia cầm ốm thì ngay lập tức nhân viên thú y xã báo lên cho Trạm thú y, đồng thời xuyên suốt thông tin này lên Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh và từ đó việc chỉ đạo chuyên môn tuyến được triển khai quyết liệt.

Giờ thì khác! Nhân viên thú y báo lên xã, xã làm văn bản báo lên huyện, phía Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cũng có văn bản báo lên huyện. Rồi quy trình đó tiếp tục được hoàn thiện văn bản báo lên tỉnh. Chừng ầy thôi đã mất một khoảng thời gian dài và nhiều khi bị đánh đổi mất mát lớn do dịch bệnh lây lan nhanh, không chờ đợi ai cả. Thiệt hại và thảm hại cuối cùng người chăn nuôi gánh hậu quả lớn lao.  

Không còn chức danh thú y viên, UBND phường Hải Lĩnh giao ông Nguyễn Xuân Hòa, Chủ tịch Hội nông dân phường; ông Lê Hùng Phan, cán bộ địa chính nông nghiệp phụ trách công tác thú y. Điều đáng nói, họ đều là những người không có chuyên môn về thú y. Có lẽ vì thế mới xẩy ra câu chuyện dịch viêm da nổi cục trâu bò đã xẩy ra ở đây gần 10 ngày những vị này mới báo cáo lên Trung tâm dịch vụ nông nghiệp.                                                                 

Trưởng phòng Kinh tế kiêm Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp

Không chỉ bố trí cán bộ trái chuyên môn phụ trách công tác thú y, ngay cả vị trí Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cũng được bố trí kiêm nhiệm. Ông Mai Xuân Châu, Trưởng phòng Kinh tế thị xã Nghi Sơn được bố trí kiêm nhiệm thêm chức danh Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp thị xã Nghi Sơn. Đó là một kiểu làm vừa trái quy định, vừa chẳng giống ai cả.

         

 

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 17
|
Tổng số truy cập: 13.342.886
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành