Nhân viên thú y tội lắm!
Tiếp xúc với các nhân viên thú y xã, phường hay những công chức kiêm nhiệm vị trí thú y viên, chúng tôi ghi nhận được những tâm tư của họ. Bên cạnh mức thu nhập quá thấp, thứ họ cần là sự ghi nhận đánh giá và hơn hết là cần một tổ chức có chuyên môn độc lập để cùng tương tác vận hành, làm sao giảm thiệt hại tối đa cho người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Công Mùi, 72 tuổi là người có nhiều kinh nghiệm trong chữa bệnh gia súc gia cầm tại xã Quảng Nhân (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) với trên 40 năm làm nhân viên thú y. Nay đã “nghỉ hưu”, đáng lẽ ngày ngày vui cùng với cháu con nhưng cứ nhận được điện thoại là bất kể ngày đêm ông đều lên đường. Nghề chữa bệnh cho đàn vật nuôi đã thấm vào máu thịt của ông. Một ngày không nhận được vài cuộc điện thoại của người chăn nuôi, ông lại thấy bồn chồn.
Nhận viên Thú y đang bị "hắt hủi". Ảnh: VD.
“Người chăn nuôi vẫn cần mình nên không thể từ chối. Có hôm, 1-2 giờ sáng, người dân gọi điện, trâu, bò đẻ nhưng có nguy cơ chết ngạt. Thế là tôi lại lên đường. Thường thì người ta trả công 2-3 trăm ngàn đồng nhưng cũng có những người chỉ có 5 chục, 1 trăm nhưng mình vẫn vui vì dù sao họ vẫn cần, mình vẫn còn có ích” – ông Mùi chia sẻ.
Trên 40 năm làm nhân viên thú y xã, có những thời điểm phụ cấp của ông chỉ được trả 250 kg lúa/vụ. Sau này, khi chính sách thay đổi, mỗi tháng ông được nhận phụ cấp 800-900.000 đồng cho công việc của mình. Với những người có tay nghề, có kinh nghiệm như ông thì muốn sống được với nghề không còn cách nào khác là phải đi chữa bệnh gia súc gia cầm cho người dân để lấy tiền trang trải cuộc sống. Cũng chính nhờ có nghề cầm tay, ông nuôi được 4 người con học đại học. Đến lúc này, cuộc sống đã không còn khó khăn nhưng bản thân ông vẫn thấy chua chát.
Sau 40 năm trong nghề, khi được thông báo nghỉ việc, do chưa đủ số năm đóng bảo hiểm, ông Mùi làm thủ tục nhận bảo hiểm một lần, tất tần tật các khoản được 21 triệu đồng. Số tiền ấy chẳng bõ bèn gì so với số năm ông đã cống hiến nhưng biết làm sao được.
Cũng theo ông Mùi, nếu vẫn cứ như thế này thì chẳng ai chịu về làm thú y viên cho xã, phường nữa. Người mới ra trường, có kiến thức không ai muốn về làm nhân viên thú y xã, phường. Còn những ai chấp nhận “sống mòn” với đồng phụ cấp còm cõi thì hoặc không có việc gì để làm hoặc đang hi vọng một vị trí công chức phường, xã.
Chị Lê Thị Đài Trang, Chủ tịch Hội nông dân, kiêm nhân viên thú y xã Quảng Hợp (huyện Quảng Xương) là một trường hợp như vậy.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Hồng Đức chuyên ngành chăn nuôi thú y, năm 2014, Trang về làm nhân viên thú y xã. Cuộc sống chật vật bằng đồng phụ cấp còm cõi, nhiều lúc Trang đã nghĩ đến chuyện phải bỏ nghề, cầm tấm bằng đi làm thuê. Nhưng là phận nữ, muốn gần nhà, Trang đành chấp nhận để đón chờ cơ hội.
May mắn hơn nhiều người, năm 2018, Trang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội nông dân, kiêm luôn công tác chăn nuôi thú y xã Quảng Hợp. Nhìn lại quãng thời gian làm nhân viên thú y, Trang không hiểu vì sao mình có thể vượt qua. Khó khăn đã tạm qua đi nhưng với Trang, đó quả thực là giai đoạn đáng nhớ nhất cuộc đời.
Trang chia sẻ, ngày về xin việc, mình được nhận làm nhân viên thú y xã. Thời điểm ấy, thú y viên của xã có trình độ đại học được nhận phụ cấp 0,9/hệ số lương cơ bản, tương đương với 1,3 triệu đồng, ngoài ra không có thêm thu nhập gì.
Công việc tuy không mấy vất vả nhưng trách nhiệm cao, nhất là thời điểm dịch bệnh phải đi cả ngày lẫn đêm lại chưa có khả năng thực tế nên chị Trang không có cơ hội để đi làm thêm. Chừng ấy tiền phụ cấp chỉ đủ xăng xe, chưa nói đến cuộc sống. Thế là thời gian này, chị phải sống phụ thuộc vào bố mẹ và chồng.
“Hiện còn nhiều nhân viên thú y tội lắm! Họ không có điều kiện hoặc không đi chữa bệnh gia súc gia cầm nhưng nhiều năm nay vẫn làm thú y viên cho các xã. Với đồng phụ cấp ít ỏi, công việc nhiều khi áp lực, phải nói rằng, họ còn bám trụ được là bởi còn quá yêu nghề” – giọng Trang như nghẹn lại.
Đặt ra câu hỏi, nếu bố trí mỗi xã một nhân viên chuyên ngành chăn nuôi thú y và với mức phụ cấp khoảng 3-5 triệu đồng/tháng liệu có cam kết rằng, tình hình dịch bệnh gia súc, gia cầm sẽ được kiểm soát tốt nhất không? Các nhân viên thú y lâu năm ở cơ sở đều cho rằng, không thể đặt ra việc cam kết như thế vì có những dịch bệnh đến nay mới xuất hiện lần đầu hoặc không có vắc xin.
Chị Đài Trang cho rằng, có hai điều căn bản nhất cần hơn ở mức thu nhập, đó là ý thức chăn nuôi của người dân và một hệ thống quản lý chăn nuôi thú ý nhà nước được tổ chức bài bản, trách nhiệm.
Theo ông Hoàng Trung Thông, nhân viên thú y xã Định Hòa (Yên Định) và ông Nguyễn Công Mùi, vấn đề vẫn ở sự đam mê của người làm nghề và một tổ chức thú ý được bổ trí bài bản, chuyên nghiệp.
Ông Mùi khẳng định, sở dĩ ông có cuộc sống ổn định, nuôi 4 người con ăn học Đại học đều từ thu nhập của nhân viên thú ý xã. Mức thu nhập của nhân viên thú y xã chỉ là như một sự cam kết về trách nhiệm thôi. Chính sự hiểu biết, kinh nghiệm và sự lăn lộn trong nghề đã giúp ông làm dịch vụ tốt trong hoạt động chăn nuôi thú y nên có thêm đồng ra đồng vào.
Theo ông Mùi, nếu có kiến thức, đam mê và trách nhiệm thì ngoài việc tham gia tích cực trong công tác chuyên môn của địa phương, việc nhận dịch vụ như chữa trị, thụ tinh cho vật nuôi… đã giúp ông đảm bảo cuộc sống gia đình suốt cả mấy chục năm qua.
Đây cũng là chia sẻ rất thật của bạn trẻ Trịnh Ngọc Linh nhân viên thú y xã Định Bình (Yên Định). Linh nói, chỉ cần nhà nước xem nhân viên thú y là thông tin viên, khi nhận được tin báo của người dân họ sẽ ngay lập tức báo lên Trạm thú y cùng phối hợp để điều trị và có biện pháp phòng trừ thì chắc chắn hiệu quả phòng chống dịch bệnh chăn nuôi ở cơ sở sẻ hiệu quả.
Ông ông Hoàng Trung Thông (trái) và Trịnh Ngọc Linh: Hãy xem chúng tôi là những thông tin viên cung cấp thông tin sớm nhất tình hình dịch bệnh cho Trạm thú y và nhận trách nhiệm dịch vụ hoặc phối hợp trong việc thăm khác, phòng trừ dịch bệnh. Ảnh: VD.
Linh mạnh dạn: “Nếu xem chúng tôi là “người nhà nước” trong hoạt động thú y thì sẽ rất áp lực cho cả cấp ủy, chính quyền và ngành chuyên môn. Hãy xem chúng tôi là những thông tin viên cung cấp thông tin sớm nhất tình hình dịch bệnh cho Trạm thú y và nhận trách nhiệm dịch vụ hoặc phối hợp trong việc thăm khác, phòng trừ dịch bệnh”.
Cách làm đó, theo Linh vừa không tạo ra áp lực ngân sách vừa đảm bảo nguồn thu nhập cho nhân viên thú y và góp phần hạn chế dịch bệnh. Gói gọn lại là nếu làm dịch vụ thì hãy để cho chính nhân viên thú y xã làm và đề cao vai trò thông tin liên lạc của họ với cấp trên. Còn nhà nước vẫn phải đảm bảo việc quản lý, trang bị kiến thức thông qua tập huấn cho chúng tôi và người chăn nuôi.
Những 'tử huyệt' sau sáp nhập
Cuối năm 2019, khi thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, các Trung tâm chỉ được bố trí 2-3 cán bộ có chuyên ngành chăn nuôi thú y. Thú y viên ở nhiều xã phường tan rã, lực lượng có chuyên môn ở các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp mỏng, nhận được thông tin ở đâu có dịch, Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh phải căng mình điều động quân số túc trực ở các địa phương. Tuy nhiên, do nguồn tin đến Chi cục chậm, nhiều lúc điều động được quân số thì dịch đã bùng phát, lây lan ra diện rộng.
Bà Trần Thị Quân, Giám đốc TTDVNN huyện Yên Định cho rằng, sau sáp nhập, hoạt động của lĩnh vực thú y, phòng chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi đang rối như tơ vò. Ảnh: VH.
Gần đây nhất là dịch viêm da nổi cục bùng phát tại thị xã Nghi Sơn và Yên Định. Chi cục chăn nuôi và thú y gần như mất hết các kênh thông tin về dịch bệnh nên dù cố gắng cũng phát hiện muộn nên công tác phòng chống dịch gặp rất nhiều khó khăn.
Các địa phương không có đủ nhân lực nên hàng tháng trời, cán bộ Chi cục liên tục phải căng mình trên mặt trận chống dịch. Nhưng số cán bộ Chi cục cũng có hạn nên việc điều động bố trí nhiều lúc rất khó.
Là một huyện trọng điểm về nông nghiệp, chăn nuôi đóng góp trên 50% tỷ trọng ngành nông nghiệp nhưng Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định hiện chỉ có 2 nhân viên có chuyên ngành thú y. Vì thế, nhiều thời điểm, Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định phải xin “viện binh” từ chính quyền và Chi cục chăn nuôi và thú y để phòng chống dịch.
Chủ trương thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp để chuyển chức năng quản lý nhà nước về Phòng nông nghiệp nhưng thực tế ngay như Phòng nông nghiệp huyện Yên Định chỉ có 1 chuyên viên thú y. Chừng ấy không thể kham nổi công tác tham mưu hay phối hợp với Chi cục và Trung tâm để làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh được.
Vấn đề cần nói thêm nữa là việc phối hợp giữa các bộ phận trong Trung tâm. Các chuyên viên lĩnh vực trồng trọt, khuyến nông, bảo vệ thực vật có thể hỗ trợ được cho nhau tối đa công tác còn chuyên viên lĩnh vực chăn nuôi thì không những không nhận được sự hỗ trợ mà bản thân cũng không chia sẻ được với các lĩnh vực khác. Chăn nuôi, thú y là một lĩnh vực đặc thù, đòi hỏi chuyên môn sâu.
Theo các kết quả nghiên cứu, trên 70% dịch bệnh nguy hiểm từ người có nguồn gốc từ động vật. Vì thế, mọi sự chủ quan với ngành chăn nuôi đều bị trả giá đắt không chỉ trước mắt mà cả lâu dài.
Ngành chăn nuôi thú y đang đối mặt với nhiều loại dịch bệnh nhưng hệ thống thú y sau sáp nhập hoạt động không hiệu quả. Ảnh: VD.
“Nếu xẩy ra trường hợp vận chuyển động vật mắc bệnh trên đường, bằng con mắt của nhân viên thú y thì sẽ phát hiện ra ngay nhưng với nhân viên không có kiến thức thì không thể. Vì vậy, không loại trừ khi xẩy ra dịch bệnh, người dân sẽ bán tháo chạy, nguy cơ lây lan dịch bệnh sẽ rất cao. Vì vậy, nhiều lần chúng tôi phải xin thêm quân số của Chi cục chăn nuôi và thú y tỉnh để hỗ trợ công tác phòng chống dịch.” – bà Trần Thị Quân, Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Định băn khoăn.
Cũng theo bà Quân, Yên Định hiện có rất nhiều hộ chăn nuôi gia công. Nhiều công ty muốn xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi nhưng khi hệ thống thú y không đảm bảo được số lượng cũng như chuyên môn thì việc giám sát các sản phẩm theo khuyến cáo của Hiệp hội Thú y thế giới là điều gần như không thể làm được. Bên cạnh đó, khi trạm thú y bị sáp nhập thì việc kiểm soát giết mổ cũng gần như bỏ bẵng.
Mô hình ngành dọc ưu việt hơn
Ông Lê Văn Sơn, nguyên Chi cục phó Chi cục Thú y Thanh Hóa cho rằng, mô hình nào cũng có ưu, khuyết điểm. Tuy nhiên, mô hình ngành dọc, trạm chăn nuôi và thú y trực thuộc Chi cục chăn nuôi và thú y vẫn có nhiều ưu việt hơn. Mô hình này cần được duy trì để đảm bảo công tác phòng chống dịch bệnh đàn vật nuôi.
“Thú y là một lĩnh vực đặc thù, dịch động vật lây lan nhanh và mức độ gây hại cao vì thế lực lượng thú y vừa phải đủ quân số vừa phải đảm bảo có trình độ chuyên môn cao. Mô hình đang hoạt động tốt lại đúng quy định pháp luật thì phải trả lại tên cho em mới đúng” – ông Sơn kiến nghị.
Võ Dũng - Văn Hùng - NNVN