banner
English
Tiếng Việt

Thú y cơ sở như con bò què chân: [Bài 3] Khôi phục trạm thú y vừa đúng luật lại bức thiết

Cập nhật: 08/04/2022
Lượt xem: 371
Bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ những khó khăn trong chăn nuôi do tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Võ Dũng.
Bà Nguyễn Thị Hương chia sẻ những khó khăn trong chăn nuôi do tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi. Ảnh: Võ Dũng.

Lời khẩn cầu từ người chăn nuôi

Lời khẩn cầu từ người chăn nuôi

Kể từ khi khởi nghiệp nghề chăn nuôi, đến nay bà Nguyễn Thị Hương, tổ dân phố Đại Thắng, phường Hải Lĩnh, thị xã Nghi Sơn đã lỗ hơn 500 triệu đồng khi năm 2020, trên 2.300 con vịt của gia đình đến ngày xuất bán phải tiêu hủy vì dịch cúm gia cầm.

Bà Hương chia sẻ, lúc đầu gia đình bà cứ nghĩ bệnh thông thường nên tự mua thuốc điều trị mà không tách đàn ra để tránh lây lan. Khi nhân viên thú y đến kiểm tra sự việc đã muộn, gia đình đành phải tiêu hủy đàn vịt.

Theo bà Hương, phường dù nắm được tình hình dịch bệnh nhưng ở đây không có cán bộ chuyên môn nên chẩn đoán bệnh không chính xác. Do đó, bà cho rằng, cần phải có chế độ xứng đáng, duy trì nhân viên thú y xã, phường để hỗ trợ những hộ chăn nuôi.

Chị Lê Thị Đài Trang, Chủ tịch Hội Nông dân kiêm thú y viên xã Quảng Hợp (huyện Quảng Xương) cho biết: Lúc còn trạm thú y huyện, phát hiện dịch bệnh chị sẽ báo lên trạm, trạm báo lên huyện, đồng thời báo Chi cục nên các biện pháp phòng chống dịch được triển khai ngay. Còn hiện nay, nhân viên thú y báo xã, xã báo lên Trung tâm dịch vụ, Trung tâm dịch vụ báo lên UBND huyện, qua rất nhiều trung gian, trong khi dịch bệnh lại mang tính cấp bách.

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa cũng cho rằng, trước đây, việc thống kê số lượng đàn vật nuôi được các thú y viên, các trạm báo cáo thường xuyên, nhưng nay có dịch mới thống kê khiến công tác phòng chống dịch rất bị động. Hơn nữa, các trung tâm trực thuộc huyện quản lý nên khi xảy ra dịch Chi cục không điều động nhân lực được. Vì thế, công tác phòng chống dịch bệnh khó khăn hơn rất nhiều.
Trước dịch bệnh ngày càng phức tạp, người chăn nuôi cần được sự hỗ trợ nhiều hơn từ ngành thú y. Ảnh: Võ Dũng.
Trước dịch bệnh ngày càng phức tạp, người chăn nuôi cần được sự hỗ trợ nhiều hơn từ ngành thú y. Ảnh: Võ Dũng.

Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thanh Hóa Đặng Văn Hiệp lý giải, trước đây, khi xảy ra dịch ở một địa bàn có quy mô, ngay lập tức Chi cục sẽ điều động ngay quân số từ Chi cục đến các Trạm lân cận đến hỗ trợ cho vùng có dịch ấy với các biện pháp cấp bách, quyết liệt và rất hiệu quả. Thanh Hóa từng xảy ra những trận bão dịch nhưng gần như được khống chế và tái đàn sớm, ổn định lâu dài.

Nay, tách hệ thống ra, việc chỉ đạo chuyên môn từ tỉnh đến các huyện không thể nói là dễ dàng được. Bản chất của các Trung tâm là hoạt động theo mô hình dịch vụ. Nhiều trạm, vai trò, vị thế nhân viên thú y tê liệt. Chi cục chỉ còn nước đề nghị phối hợp chứ không thể điều động. Chính điều này đã phát sinh không ít những vấn đề bất cập xảy ra trong hoạt động chuyên môn.

Nhiều Trung tâm dịch vụ, Giám đốc là người của bảo vệ thực vật hoặc khuyến nông, trong khi trồng trọt và BTVT có mối tương đồng, còn chăn nuôi thú y là lĩnh vực đặc thù, vì thế hiệu quả trong quản lý nhà nước và vận hành chuyên môn bất cập vô cùng. Phải nhìn nhận thẳng thắn như vậy để điều chỉnh phù hợp với thực tiễn.

Lập Trạm thú y liên vùng

Để ngành chăn nuôi thú y được tổ chức đúng như quy định của Luật Thú y, mới đây, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đã trình phương án kiện toàn, củng cố và nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp. Phương án này được hầu hết các huyện, thị, thành phố thống nhất cao.

Lý do mà Sở này đưa ra là việc hợp nhất, điều chỉnh cơ cấu tổ chức của hệ thống quản lý nhà nước chuyên ngành thú y tuy có giảm đầu mối nhưng công tác chuyên môn gặp nhiều khó khăn do quy định về bộ máy tổ chức hệ thống thú y các cấp trong Luật Thú y không được sửa đổi.

 

Việc chuyển trạm thú y cùng 66 viên chức về Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện nhưng phần lớn nhiệm vụ quản lý nhà nước chuyên ngành vẫn do Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện theo quy định dẫn đến việc vận hành hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y trên địa bàn tỉnh có nhiều bất cập, không đồng bộ, thiếu xuyên suốt. Điều này gây khó khăn trong kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y. Các hoạt động khác như quản lý thuốc thú y và thức ăn chăn nuôi; xúc tiến thương mại; thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; tổ chức, bố trí công việc cũng gặp nhiều vướng mắc.
Ông Lê Văn Sơn, nguyên Chi cục phó Chi cục Thú y Thanh Hóa cho rằng, nhận định 70% dịch bệnh từ người có nguồn gốc động vật là cơ sở để tính toán kỹ việc xem xét coi trọng lĩnh vực chăn nuôi để có các kế sách, biện pháp tốt nhất. Ảnh: Võ Dũng.
Ông Lê Văn Sơn, nguyên Chi cục phó Chi cục Thú y Thanh Hóa cho rằng, nhận định 70% dịch bệnh từ người có nguồn gốc động vật là cơ sở để tính toán kỹ việc xem xét coi trọng lĩnh vực chăn nuôi để có các kế sách, biện pháp tốt nhất. Ảnh: Võ Dũng.

Trên cơ sở đó, Sở NN-PTNT tỉnh Thanh Hóa đề xuất thành lập lại trạm thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Chăn nuôi và Thú y. Công văn của Sở Nội vụ Thanh Hóa ngày 30/3/2022 cũng đồng tình với phương án thành lập mới 27 Trạm Thú y cấp huyện.

Căn cứ vào các quy định hiện hành và thực tế ghi nhận ở cơ sở, chúng tôi nhận thấy, việc tái lập Trạm chăn nuôi thú y trực thuộc Chi cục Chăn nuôi thú y tỉnh hiện nay là cần thiết. Lĩnh vực chăn nuôi thú y nó đặc thù, đặc trưng hơn hẳn các lĩnh vực khác và nó có mối gắn kết mật thiết với con người. Ngay cả nhận định 70% dịch bệnh từ người có nguồn gốc động vật là cơ sở để tính toán kỹ việc xem xét coi trọng lĩnh vực chăn nuôi để có các kế sách, biện pháp tốt nhất vừa đảm bảo chất lượng vật nuôi, kích cầu nền kinh tế, vừa giảm thiểu nguồn chi ngân sách khi có dịch xảy ra.

Từ thực tiễn nhìn nhận, chúng tôi cho rằng, các lĩnh vực ngành nông nghiệp nên thiết lập theo hệ thống ngành dọc. Chẳng hạn tại tỉnh Thanh Hóa, thay cho việc thành lập 27 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp kiểu gộp cơ học hay việc tái lập lại các Trạm (Khuyến nông, BVTV, Thú y) theo kiểu máy móc thì tính xem phương án lập Trạm liên vùng. Cách làm này vừa đáp ứng mục tiêu tinh giản bộ máy, tiết giảm chi nhưng đồng thời vẫn phát huy tối đa công tác chuyên môn, chuyên biệt cho từng ngành.

Lấy ví dụ, trước 2019, Thanh Hóa có 27 Trạm Thú y, 27 trạm BVTV, 27 trạm khuyến nông. Sau sáp nhập thành 27 Trung tâm dịch vụ nông nghiệp. Chúng tôi mạnh dạn đề xuất lập các Trạm liên vùng theo hệ thống ngành dọc. Số lượng vẫn có thể 27. Mỗi lĩnh vực chỉ 9 trạm liên vùng trực thuộc Chi cục cấp tỉnh.

Chẳng hạn, tuyến các huyện Hoàng Hóa, Hậu Lộc, Nga Sơn, Hà Trung, Bỉm Sơn lập 3 trạm liên vùng: Hậu Lộc có thế mạnh chăn nuôi thì đặt Trạm thú y; Hoàng Hóa có thế mạnh trồng trọt đặt Trạm khuyến nông; Nga Sơn, Hà Trung làm vụ đông và cây màu thế mạnh thì đặt Trạm BVTV... Tương tự tuyến Thiệu Hóa, Yên Định, Vĩnh Lộc, Thạch Thành cũng lập 3 trạm liên vùng như thế. Chọn địa phương nào có thế mạnh và có tính liên kết vùng tốt nhất thì đặt trụ sở Trạm chuyên môn nơi đó.

Cách làm này vừa giảm đầu mối (đạt được mục tiêu tinh giản bộ máy) vừa đảm bảo năng lực chuyên ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước đây, mỗi Trạm chỉ có 2-3 người, nay một Trạm có thể 9-10 người thì sức mạnh tập thể, chuyên môn cũng sẽ mạnh lên.

Chúng tôi cho rằng, việc lập Trạm liên vùng cho các lĩnh vực ngành nông nghiệp và đặc biệt là ngành Thú y lúc này là cần thiết và không nên chần chừ nữa.

Ngay cả tổ chức Thú y thế giới (OIE) chịu trách nhiệm về thú y trên phạm vi toàn cầu cũng khuyến cáo rằng, hệ thống thú y cần có tổ chức xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương; có hệ thống pháp luật quy định rõ về hệ thống thú y các cấp.

Trong quá trình đánh giá nguy cơ nhập khẩu động vật và sản phẩm động vật, ngoài thông tin về tình hình dịch bệnh, ATTP, các nước nhập khẩu luôn yêu cầu nước xuất khẩu cung cấp đầy đủ thông tin, bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật và mô tả chi tiết về hệ thống thú y các cấp; cung cấp bằng chứng về năng lực tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thú y, đặc biệt các nhiệm vụ về phòng, chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y...

Hiện cả nước có 30 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương vẫn đang giữ mô hình Trạm thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh. Ngoài ra đã có 4 tỉnh sau thành lập Trung tâm dịch vụ nông nghiệp cũng đã quay lại mô hình trước đây. Tại Thanh Hóa, các huyện, thị, thành phố và các Sở NN – PTNT, Nội vụ cũng đã thống nhất trình phương án tái thành lập Trạm thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Chăn nuôi – Thú y tỉnh. Việc còn lại lúc này là cần một quyết định nhanh, đúng đắn, phù hợp với thực tiễn từ Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa.                            

Thanh Hóa kiện toàn mạng lưới thú y các cấp

Ngày 8/7/2021, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn. Theo đó, mạng lưới thú y các cấp sẽ được kiện toàn, củng cố, nâng cao năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp trên địa bàn tỉnh theo đúng chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước.

Kinh phí thực hiện Kế hoạch triển khai thực hiện đề án này được bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước; nguồn phí để lại chi theo quy định pháp luật về phí, lệ phí; lồng ghép trong các chương trình, kế hoạch, dự án; nguồn kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật nhằm hiện đại hóa và ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặc thù được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và pháp luật đầu tư công và các nguồn huy động hợp pháp khác.

 

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 3
|
Tổng số truy cập: 13.096.174
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành