Tăng định mức hỗ trợ cho người chống dịch
Tại hội nghị quán triệt các biện pháp kỹ thuật và bàn chính sách hỗ trợ phòng chống dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) do Bộ NN-PTNT tổ chức mới đây, đa số các ý kiến của các địa phương trên cả nước đều phản ánh cơ chế hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác chống dịch hiện quá thấp, cần phải gấp rút nâng lên và kịp thời chi trả.
|
Lực lượng chống dịch ở nhiều địa phương đã quá tải, mệt mỏi |
Bà Hoàng Thị Tố Nga, PGĐ Sở NN-PTNT Nam Định ái ngại cho biết để phục vụ công tác phòng chống dịch, nhất là tiêu hủy lợn, tại các xã có dịch đều đã phải thành lập các ban chỉ đạo.
Theo đó, đối với việc tiêu hủy lợn, bên cạnh các lực lượng cán bộ, đoàn thể như công an, dân quân tự vệ, trưởng, phó thôn..., các xã còn phải thuê thêm lực lượng lao động tự do bên ngoài tham gia tiêu hủy, đào hố, chôn lấp do lượng lợn tiêu hủy quá nhiều.
Trong khi đó hiện nay, định mức hỗ trợ cho lực lượng trực tiếp tham gia công tác chống dịch chỉ có 100 nghìn đồng/ngày, mức này đối với cán bộ chính quyền, cán bộ chuyên trách có hưởng lương thì dù sao vẫn là nhiệm vụ họ phải làm, nhưng đối với lực lượng lao động UBND xã phải đi thuê đi tiêu hủy thì vô cùng khó khăn.
“Các xã phải đi thuê lực lượng bên ngoài tiêu hủy lợn, tiền công 400 nghìn đồng/ngày, mà phải buổi sáng thuê là cuối buổi chiều phải trả tiền họ ngay, chứ không ai cho nợ. Đó là chưa kể tiền thuê máy xúc đào hố, tới 2 triệu đồng/ngày hiện cũng thuê rất khó khăn do người ta không mặn mà với việc đi tiêu hủy lợn”, bà Nga phản ánh.
Đồng tình với quan điểm này, ông Lê Ngọc Trung, GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: Hiện nay, diễn biến DTLCP tại Quảng Nam đang có chiều hướng rất phức tạp. Trong khi đó, dù huy động cả các lực lượng cán bộ, tổ chức đoàn thể, nhưng bản thân các xã không thể đủ lực lượng cán bộ để phòng chống dịch, nhất là khâu tiêu hủy. Trong hoàn cảnh đó, việc đi thuê nhân công bên ngoài tiến hành tiêu hủy lợn hiện lên tới 400-500 nghìn đồng/người/ngày, nhưng rất khó thuê do không ai muốn làm.
“Các xã có dịch, đi thuê người tiêu hủy lợn, thuê máy xúc, còn phải năn nỉ thuyết phục họ, rằng đây là việc có ý nghĩa xã hội, vì việc chung của bà con, thì họ mới miễn cưỡng nhận lời”, ông Trung kêu khó.
Bên cạnh khâu hỗ trợ tiêu hủy, kinh phí cho lực lượng cán bộ tại các chốt kiểm dịch cũng đang rất bí bách. Tại Nam Định, tỉnh này cho biết chi phí để duy trì cho một chốt kiểm dịch không hề ít, có huyện phải chi tới 6 triệu đồng/ngày cho việc duy trì công tác này.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thái Bình thì cho biết sau hơn 3 tháng chống dịch, hiện kinh phí chi trả cho lực lượng tham gia tiêu hủy lợn chưa biết lấy đâu ra, trong khi đó với 5 chốt kiểm dịch trên toàn tỉnh, hiện tốn khoảng 3-4 trăm triệu đồng/tháng để duy trì.
Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Thanh Hóa cũng cho biết toàn tỉnh hiện có 7 chốt kiểm dịch, kinh phí để duy trì cũng như các vật tư như hóa chất khử trùng, vôi bột... rất tốn kém.
Sốt ruột chờ kinh phí hỗ trợ tiêu hủy
Cùng với kinh phí phục vụ phòng chống dịch, kinh phí hỗ trợ tiêu hủy cho các hộ dân có lợn bị DTLCP bị tiêu hủy cũng đang là vấn đề rất cấp bách mà hầu hết các địa phương cho rằng cần phải sớm có nguồn bố trí từ Trung ương để hỗ trợ kịp thời đến tay người dân để họ yên tâm cũng như có điều kiện chi trả nợ nần, chuyển đổi sang đối tượng vật nuôi khác.
|
Người dân đang từng ngày mong tiền hỗ trợ tiêu hủy lợn |
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Nam Định, đến thời điểm này, toàn tỉnh đã phải tiêu hủy trên 11 nghìn tấn lợn, trong đó 56-58% số đầu lợn bị tiêu hủy là lợn nái, trọng lượng có con lên tới 3-4 tạ/con, kinh phí để hỗ trợ tiêu hủy vì vậy rất lớn, đến thời điểm này đã ước khoảng 450 tỉ đồng, trong khi đó nguồn ngân sách dự phòng của toàn tỉnh này hiện chỉ có khoảng 100 tỉ đồng. Đây là con số cần phải hỗ trợ cho thiên tai dịch bệnh lớn nhất mà tỉnh Nam Định từng phải gánh trên vai. Dự báo, kinh phí cần để hỗ trợ tiêu hủy cho các hộ bị thiệt hại thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cao do dịch vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Về cơ chế hỗ trợ, hiện nay, do giá lợn hơi trên thị trường đang rẻ, nên đa số các ý kiến của các tỉnh đều ủng hộ hình thức hỗ trợ bằng 80% giá thị trường tại từng thời điểm nhằm tránh tình trạng người dân có tâm lí phó mặc để lợn mắc dịch chết mà không quyết liệt áp dụng an toàn sinh học. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cũng kiến nghị các địa phương cần xác định giá thị trường từng thời điểm, mức % hỗ trợ tương đồng nhau, để tránh tình trạng giá hỗ trợ tiêu hủy tỉnh cao, tỉnh thấp, khiến tình trạng vận chuyển, tuồn lợn giữa các tỉnh sang nhau...
|
Sở NN-PTNT Hưng Yên cũng cho biết đến thời điểm này, toàn tỉnh đã tiêu hủy khoảng 155 nghìn con lợn, với trên 9.200 tấn, tương ứng với số kinh phí cần thiết để hỗ trợ cho người dân là khoảng 403 tỉ đồng, trong khi nguồn ngân sách dự phòng của tỉnh này hiện chỉ có thể đáp ứng được khoảng 1/7 số này.
Tương tự, tỉnh Thái Bình hiện đã phải tiêu hủy 17 nghìn tấn lợn, và đang cần ngay khoảng 664 tỉ đồng kinh phí hỗ trợ từ Trung ương.
Tại Hà Nội, đến nay, đã phải tiêu hủy tổng cộng khoảng 16,5% tổng đàn (trong số tổng đàn khoảng 1,8 triệu con). Hà Nội “dễ thở” hơn các địa phương khác do đã có phương án trích nguồn ngân sách dự phòng cho phòng chống thiên tai khoảng 6.000-7.000 tỉ đồng để hỗ trợ cho các hộ dân bị tiêu hủy lợn. Tuy nhiên, áp lực khác lại đang dồn lên việc tìm đất để tiêu hủy lợn.
“Thời gian qua, dịch đã càn quét qua các hộ chăn nuôi nhỏ, và đang tấn công dần vào các trang trại tầm 300-400 con. Với đà này, không biết đến khi những trang trại lớn cỡ 4-5 nghìn con bị dịch, thì tìm đâu ra nơi để tiêu hủy lợn. Chúng tôi đang phải tính cả tới phương án để hỗ trợ cho các hộ dân có lợn bị tiêu hủy thuê đất để tiêu hủy trong thời gian tới”, ông Nguyễn Huy Đăng, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội ái ngại.
Bí bách tìm nơi tiêu hủy lợn cũng đang là vấn đề mà hàng loạt tỉnh thành lo lắng, nhất là tại các tỉnh ĐBSH có số lượng lợn phải tiêu hủy lớn như Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên...
“Mặc dù đã có nhiều khuyến cáo, tuyên truyền, nhưng thời gian qua, Hà Nội vẫn phát hiện rất nhiều trường hợp chủ quan, phớt lờ trong các biện pháp phòng dịch. Theo đó, vẫn có tình trạng các hộ có lợn bị dịch sang thăm hỏi nhà chưa bị dịch, sau đó thì dịch lây lan; vẫn có nhiều hộ cho lợn ăn thức ăn thừa (thu gom ở quán ăn nhà hàng), khiến lợn bị lây dịch...
Hầu hết những hộ chăn nuôi bị dịch thời gian qua, đều là hộ nhỏ lẻ, và không thực hiện các khuyến cáo, biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học để phòng dịch”.
(Ông Nguyễn Huy Đăng, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Nội)
|
LÊ BỀN - NNVN