banner
English
Tiếng Việt

COP 16: Việt Nam tìm kiếm cơ hội mở rộng hợp tác

Cập nhật: 14/02/2019
Lượt xem: 905
Mở rộng cơ hội hợp tác

Tại hội nghị lần này, Việt Nam tham gia thảo luận hai nội dung chính: Công ước khung về biến đổi khí hậu (UNFCCC) và Nghị định thư Kyoto (KP). Trong các nội dung liên quan đến UNFCCC, Việt Nam bám sát các phiên thảo luận về thích ứng, giảm nhẹ, cơ chế tài chính và chuyển giao công nghệ.

Ông Phạm Văn Tấn, phó vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế Bộ TN & MT, là người trực tiếp tham gia các nội dung thảo luận giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu tại cả hai nhóm: nước phát triển và nước đang phát triển, phát biểu: “Chúng ta cần tham gia thảo luận nhóm giảm nhẹ của các nước phát triển để làm rõ trách nhiệm của họ về cắt giảm phát thải, chuyển giao công nghệ, cung cấp tài chính và tăng cường năng lực đối với các nước đang phát triển. Cùng với đó, chúng ta tham gia nhóm giảm nhẹ của các nước đang phát triển trên cơ sở tự nguyện, phù hợp điều kiện quốc gia sau khi có được đóng góp đầy đủ về mặt tài chính, chuyển giao công nghệ và tăng cường năng lực của các nước phát triển”.

Là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, Việt Nam rất cần tích cực mở rộng hợp tác với các quốc gia khác và tìm kiếm nguồn tài trợ cho các dự án đã có hoặc tìm đến các dự án mới. Trao đổi với phóng viên, ông Tấn cho biết đại diện của Việt Nam cũng vừa dự cuộc họp với nhóm các nước Bắc Âu bàn về khả năng hợp tác nhằm triển khai sáng kiến Bắc Âu về ứng phó biến đổi khí hậu ở các nước đang phát triển.

Trong những ngày tới, Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị bên lề do Chương trình môi trường Liên hợp quốc (UNEP) tổ chức về đánh giá nhu cầu công nghệ và Hội nghị các cơ quan đầu mối về cơ chế phát triển sạch (CDM).

Hiện nay, Việt Nam có nhiều chương trình, dự án hợp tác với các nước và các tổ chức quốc tế. Một trong số đó là Chương trình UN-REDD Việt Nam (Giảm phát thải khí nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng của Liên Hợp Quốc tại các nước đang phát triển), do Chính phủ Na Uy tài trợ thông qua Chương trình UN-REDD của Liên hiệp quốc.

“Chính phủ Na Uy đang xem xét khả năng cung cấp một khoản viện trợ không hoàn lại khá lớn để thực hiện giai đoạn 2 Chương trình UN-REDD Việt Nam,” Bà Phạm Minh Thoa, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế - Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: “Trong đó phần lớn kinh phí sẽ được dành để chi trả cho cộng đồng người dân địa phương trực tiếp tham gia quản lý, bảo vệ rừng". Nếu việc xem xét sớm được duyệt, đây sẽ là tín hiệu tốt cho rừng Việt Nam.

Ông Phạm Mạnh Cường, chuyên gia về REDD của Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT chia sẻ: "Cùng với việc thực hiện Nghị định 99/2010/NĐ-CP của Chính phủ hy vọng rừng sẽ được quản lý bền vững. Điều đó sẽ góp phần ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và cải thiện sinh kế của cộng đồng người dân địa phương.”

Theo bà Thoa, trong khuôn khổ Chương trình UN-REDD, Việt Nam là một trong những nước tiên phong thực hiện thí điểm sáng kiến REDD mở rộng hay còn gọi là REDD+ (Giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua nỗ lực hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, bảo tồn, quản lý rừng bền vững và tăng cường trữ lượng của rừng tại các nước đang phát triển)

Bà Thoa cũng cho biết với tinh thần sẵn sàng hợp tác và chia sẻ kinh nghiệm với các nước, Việt Nam sẽ tham gia một số sự kiện bên lề COP16 về REDD+. Tại đây, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sẽ trao đổi kinh nghiệm Xây dựng hệ thống chia sẻ lợi ích và Thí điểm tham vấn cộng đồng về REDD+ theo nguyên tắc "Tự nguyện - Được thông báo trước - Được cung cấp đầy đủ thông tin cần thiết - Đồng thuận".

Những kinh nghiệm trên thu hút nhiều sự quan tâm của các chuyên gia quốc tế. “Tôi có nghe về hai sáng kiến của Việt Nam”- ông Barney Dickson, người đứng đầu phòng biến đổi khí hậu và đa dạng sinh học của Trung tâm giám sát bảo tồn thế giới thuộc UNEP cho biết: “Tôi nghĩ rất quan trọng khi nhận ra điều đó là đúng đắn. Nếu Việt Nam thành công làm chậm hoặc ngăn chặn được nạn phá rừng thì điều đó sẽ mang lại lợi ích về đa dạng sinh học”.

Vấn đề quá rộng và phức tạp nhưng lực lượng lại mỏng

Đó cũng là một trong những thách thức lớn nhất của đoàn Việt Nam có mặt tại Cancun hiện nay. Do các vấn đề thảo luận tại Hội nghị lớn nhất về biến đổi khí hậu là quá rộng, các cuộc họp dày đặc nên đoàn Việt Nam phải chia nhỏ thành nhiều nhóm và khó tham dự mọi hoạt động của Hội nghị.

Được biết, đoàn đại biểu chính thức của Việt Nam đến ngày 4/12 có 15 người tham gia, trong đó có 7 đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường, 5 đại diện của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 1 từ Bộ Kế hoạch và đầu tư, 1 từ Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và 1 đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico.

Một số cán bộ từ các Bộ, Ngành sẽ tiếp tục tới tham dự trong ngày hôm nay hoặc ngày mai và Hội nghị cấp cao vào tuần tới. Mặc dù vậy, con số có tăng cũng quá nhỏ so với số lượng cuộc họp chính thức và không chính thức đan xen mỗi ngày và hàng chục sự kiện diễn ra bên lề. Riêng trong ngày 2/12, có tới 5 phiên họp chính thức, 30 cuộc họp nhóm và gần 100 sự kiện do UNFCCC, các quốc gia và các tổ chức phi chính phủ tổ chức. Do đó, đoàn Việt Nam rất cần kênh thông tin đa dạng.

Như chia sẻ của ông Tấn, thông tin chính thức thảo luận tại Hội nghị chỉ là phần nổi của tảng băng. Để có thể đàm phán tốt với các đối tác, đoàn Việt Nam cần có thêm nhiều kênh thu thập chia sẻ thông tin, trong đó nguồn tin từ các nhà báo, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ, các nhà khoa học về biến đổi khí hậu là cực kỳ quan trọng.

Các vấn đề thảo luận cũng diễn ra khá phức tạp. Do liên quan đến lợi ích khác biệt giữa các nước nên tiến độ đàm phán diễn ra rất chậm. "Mỗi một cam kết cắt giảm phát thải khí nhà kính đều có khả năng ảnh hưởng tới kinh tế của một nước trong hiện tại và hàng chục năm sau, kể cả việc phải thay đổi công nghệ sản xuất” ông Tấn nhận xét.

 
Thúy Bình (Từ Mexico)
TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 24
|
Tổng số truy cập: 14.620.748
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành