banner
English
Tiếng Việt

Vựa lúa ĐBSCL - Hiểm nguy giữa hai làn nước

Cập nhật: 14/02/2019
Lượt xem: 866

Có tới 6.000 công trình lớn nhỏ gồm hồ chứa nước, công trình thủy lợi… được xây dựng để khai thác nguồn nước trên toàn lưu vực sông Mekong trong vòng 60 năm qua. Gần đây, vấn đề này càng trở nên bức xúc từ việc xây dựng hàng loạt công trình lớn phương hại đến dòng chảy Mekong. Trên dòng chính sông Mekong sẽ có tới 19 đập thủy điện. Trong đó, khu vực thượng nguồn có 8 đập của Trung Quốc; 11 đập ở hạ ngồn gồm: 7 đập của Lào, 2 của Lào - Thái Lan, 2 của Campuchia với tổng dung tích hữu ích hơn 5,7 tỷ mét khối nước. Các chuyên gia đánh giá, tiềm năng thủy điện trên dòng chính sông Mekong lớn nhất là Lào, kế đến Campuchia và Thái Lan; Việt Nam không có vì nằm ở cuối nguồn. Nhưng hiểm họa do thủy điện trên dòng chính sông Mekong gây ra thì ĐBSCL gánh chịu nặng nề nhất.

Hiện tại, đập đầu tiên trong tổng số 11 cái đang dự tính hình thành ở hạ nguồn sông Mekong mang tên Xayaburi ở Lào đã có hồ sơ xin phép xây dựng. Đập Xayaburi cách ĐBSCL 1.930km, dài 820m, cao 280m, có tổng thời gian xây dựng 8 năm, dự kiến vận hành vào năm 2019. Một nhà đầu tư của Thái Lan sẽ xây dựng công trình này và hầu hết sản lượng điện từ đây được bán sang Thái Lan. 

Tại hội thảo tham vấn quốc gia về công trình đập thủy điện Xayaburi (Lào), diễn ra tại Cần Thơ mới đây, các đại biểu, nhà khoa học các tỉnh, thành ĐBSCL cho rằng: “Hiểm họa sẽ rất lớn, do đó, không nên coi việc xây dựng công trình thủy điện trên dòng chính như việc thử nghiệm. Kiến nghị Chính phủ kiên quyết không tán thành việc xây dựng công trình này; đồng thời chuyển hướng nghiên cứu xây dựng trên các nhánh phụ của sông Mekong”. Đặc biệt, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến vai trò của vựa lúa, vựa cá của ĐBSCL đối với thế giới là vấn đề quan trọng phải tính đến trong việc đánh giá tác động của đập thủy điện này. Các nhà khoa học ở ĐBSCL yêu cầu được tham gia nghiên cứu để đưa ra các luận cứ khoa học phản bác lại việc xây dựng đập thủy điện Xyaburi; đảm bảo mục tiêu sử dụng công bằng và hợp lý đối với dòng sông theo Hiệp định Mekong 1995.

Nguy cơ vựa lúa

ĐBSCL được các chuyên gia, nhà khoa học cảnh báo là 1 trong 3 đồng bằng sẽ chịu ảnh hưởng biến đổi khí hậu nặng nề nhất thế giới. Nếu nước biển dâng cao thêm 1m, sẽ có khoảng 70% diện tích đất ở ĐBSCL bị mặn xâm nhập, mất khoảng 2 triệu ha đất trồng lúa. Nhiều địa phương bị chìm trong nước. Nặng nhất là Bến Tre - mất hơn 50% diện tích, Long An gần 50%, Trà Vinh 46%, Sóc Trăng gần 44%, Vĩnh Long 40%… Cuộc sống của hàng chục triệu người dân sẽ gặp nhiều xáo trộn lớn. Vai trò vựa lúa của cả nước, nguồn đóng góp quan trọng cho tổng kim ngạch xuất khẩu và ngân sách Nhà nước mà ĐBSCL đang đảm nhiệm sẽ chịu thách thức nghiêm trọng.

Bà Võ Thị Bé Năm, Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp (Bộ NN - PTNT), khẳng định: “ĐBSCL sẽ chịu tác động kép giữa cường độ dòng chảy của sông Mekong và tình trạng nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Nếu nước từ thượng nguồn bị giữ lại, gây hạn hán ở hạ nguồn thì nước mặn sẽ tràn vào các vùng trồng lúa, nuôi trồng thủy sản nước ngọt. Khi xảy ra lũ ở thượng nguồn, các đập thủy điện đồng loạt xả nước, ĐBSCL của Việt Nam sẽ hứng trọn”. Trước nguy cơ tác động của biến đổi khí hậu cùng với việc mọc lên của hàng loạt các đập thủy điện trên dòng chính Mekong, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Thái Lai nhận định: “ĐBSCL có thể biến mất sau vài trăm năm nữa”.

Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Trung tâm Quốc tế về quản lý môi trường khẳng định, xây đập trên dòng chính có thể “hủy hoại hệ sinh thái của sông Mekong”. Tổng lượng phù sa của sông Mekong (khoảng 160-165 triệu tấn/năm) sẽ bị giữ lại 50% do các đập của Trung Quốc và 25% từ các đập ở hạ lưu. 2,3-2,8 triệu ha đất nông nghiệp, chủ yếu của Việt Nam và Campuchia bị cằn cõi. Riêng lượng phù sa về ĐBSCL giảm từ 26 triệu tấn còn 7 triệu tấn/năm; lượng chất dinh dưỡng từ 4.157 tấn còn 1.039 tấn/năm. Tác động này sẽ làm giảm năng suất nông nghiệp, tăng hiện tượng xói lở bờ… Sản lượng khai thác thủy sản nhiều khả năng giảm tới 900.000 tấn; trong đó, ĐBSCL chiếm 400.000 tấn. Mất hầu hết môi trường sống thủy sinh tự nhiên; làm giảm 12-27% năng lực tái sinh của hệ thủy sinh; mất 20-25% giống loài có tính di truyền. Việt Nam có khoảng 14 triệu người bị ảnh hưởng.

Bình Đại

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 5
|
Tổng số truy cập: 13.096.777
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành