Ngày 7 tháng 11 năm 2013, Hội Thú y Việt Nam phối hợp với Cục Thú y đã tổ chức Hội thảo khoa hoc: “Nghiên cứu bệnh tôm và sự phát triển bền vững nghề nuôi tôm ở Việt Nam” tại khách sạn Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ.
Tham dự cuộc Hội thảo gồm có 115 đại biểu đại diện cho các tổ chức, đơn vị đến từ Hội Thú y Việt Nam; Cục Thú y và các đơn vị trực thuộc Cục; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Nông và Phát triển nông thôn, Chi Cục thú y, Chi Cục nuôi trồng thủy sản của 26 Tỉnh/Thành ven biển từ Quảng Ninh đến Kiên Giang; Các Viện Thú y Quốc Gia, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2,3; Trường đại học Cần Thơ; các Hiệp hội, Công ty liên quan đến sản xuất thuốc thú y, sản xuất tôm giống và nuôi tôm và các nhà khoa học nghiên cứu về bệnh thủy sản. Tham dự cuộc Hội thảo còn có phóng viên của 1 số tờ báo, đài phát thanh và truyền hình ở khu vực các tỉnh phía nam.
Phát biểu khai mạc, GS. TS. Đậu Ngọc Hào, Chủ tịch Hội Thú y Việt Nam đã nêu bật mục đích của cuộc Hội thảo là nhằm thông báo những thông tin khoa học mới nhất nghiên cứu về “Hội chứng chết sớm - EMS hay Hội chứng hoại tử gan tụy cấp – AHPNS” đối với tôm nuôi nước lợ (tôm sú và tôm thẻ chân trắng) xảy ra trong cả nước nói chung và ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng từ năm 2011 đến nay. Hội thảo cũng là diễn đàn để các nhà khoa học, các nhà quản lý, hiệp hội, công ty, nông dân tham gia vào chuỗi sản xuất tôm nước lợ trao đổi, chia sẽ những những thông tin, kinh nghiệm, giải pháp về kiểm soát, khống chế bệnh tôm, đảm bảo cho nghề nuôi tôm bền vững ở Việt Nam. Đồng thời qua hội thảo sẽ giúp các nhà quản lý hoạch định chính sách, xây dựng những chương trình, dự án giúp người nuôi trồng tôm nước lợ phát triển bền vững.
Trong thời gian diễn ra Hội thảo đã có 5 báo cáo về nghiên cứu bệnh tôm của các nhà khoa học, bao gồm:
1) Một số kết quả nghiên cứu dịch tễ hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính (AHPNS) trên tôm nuôi trong thời gian từ 2011-2013 của BSTY Nguyễn Thế Hiền, Cục Thú y;
2) Một số kết quả nghiên cứu về vi khuẩn Vibrio trên tôm nước lợ giai đoạn ấu trùng tại các tỉnh miền trung của TS. Võ Văn Nha, Viện nghiên cứu NTTS 3;
3) Ảnh hưởng của probiotic trên khả năng kháng bệnh của tôm, của PGS. TS. Võ Văn Sơn, Công ty VEMEDIM;
4) Khảo sát một số bệnh nguy hiểm trên tôm thẻ chân trắng (Penaeus vannamei) nuôi tại Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh của TS. Lý Thị Thanh Loan, chuyên gia bệnh thủy sản;
5) Một số yếu tố môi trường liên quan đến sự hình thành hội chứng hoại tử gan tụy cấp ở tôm nuôi, của PGS. TS. Trương Quốc Phú, Đại học Cần Thơ.
Và 3 báo cáo của: Hiệp hội tôm Mỹ Thanh (Sóc Trăng) về Kinh nghiệm nuôi tôm; Công ty Bayer Việt Nam về Kinh nghiệm phòng bệnh hoại tử gan tụy ở tôm nuôi; và Công ty CP Việt Nam về Kinh nghiệm ương nuôi tôm trong ao có mái che.
Ngoài các báo cáo nêu trên còn có 21 bài tham luận, bình luận chủ yếu của các nhà khoa học tham dự hội thảo.
Cuộc Hội thảo diễn ra trong không khí cởi mở, hào hứng và chăm chú của toàn thể các đai biểu tham dự từ khi khai mạc đến khi kết thúc hội thảo.
Đây là cuộc hội thảo khoa học về bệnh tôm và phát triển nuôi tôm bền vững ở Việt Nam rất phong phú về nội dung và thành công, đã mang đến nhiều thông tin khoa học, kinh nghiệm về sản xuất tôm rất bổ ích cho tất cả các đại biểu tham dự. Những thông tin, kinh nghiệm này sẽ giúp cho các nhà quản lý, khoa học, sản xuất tôm chuẩn bị tốt hơn cho một mùa nuôi tôm mới trong năm 2014 nhằm khống chế dịch bệnh, giành được mùa tôm bội thu, phục vụ xuất khẩu mang về nhiều tỷ Đô la cho tổ quốc.
Có được sự thành công của Hội thảo khoa học này, Hội Thú y Việt Nam và Cục Thú y xin chân thành cám ơn nhà tài trợ chính – Công ty Vemedim đã ủng hộ Hội thảo trên 200 triệu đồng và nhân lực phục vụ mọi điều kiện cần thiết để tổ chức Hội thảo. Hội Thú y Việt Nam và Cục Thú y cũng xin cám ơn các công ty đồng tài trợ, các nhà khoa học, các đại biểu tham dự Hội thảo đã hỗ trợ cả về vật chất và tinh thần để cho Hội thảo thành công tốt đẹp.
PV.