banner
English
Tiếng Việt

Nguyên Viện trưởng Toán học: 'Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới'

Cập nhật: 15/07/2021
Lượt xem: 2405

LTS: Thông tư 18 mới đây về đào tạo tiến sĩ của Bộ GD-ĐT đang gây ra nhiều tranh cãi, chủ yếu liên quan đến việc công bố quốc tế. Để thông tin đa chiều, chúng tôi trân trọng giới thiệu tới độc giả bài viết do GS.TS Ngô Việt Trung - nguyên Viện trưởng Viện Toán học gửi tới VietNamNet.

XEM THÔNG TƯ 18/2021/TT-BGDĐT VỀ QUY CHẾ TUYỂN SINH VÀ ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

Nguyên Viện trưởng Toán học: ''Chuẩn tiến sĩ mới là nỗi hổ thẹn với thế giới''
GS.TSKH Ngô Việt Trung từng được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh đợt V về Khoa học và công nghệ, được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học các nước thế giới thứ 3 vào năm 2000.

Tiến sĩ là bằng cấp học thuật cao nhất, là lực lượng chủ chốt trong các cơ sở đào tạo và nghiên cứu. Khi xem xét đào tạo tiến sĩ ở bất kỳ một đại học nào tại các nước đang phát triển như Việt Nam, người ta thường chỉ hỏi một câu là luận án cần bao nhiêu công bố quốc tế thì được bảo vệ vì công bố quốc tế chính là sự đánh giá khách quan nhất đối với chất lượng luận án khi trình độ khoa học của nước đó chưa cao, chưa tự thẩm định được chất lượng nghiên cứu. Vì vậy, các nước đang phát triển thường quy định luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế trong những tạp chí quốc tế có sự đảm bảo về chất lượng.

Chuẩn tiến sĩ 'thua' Thái Lan, Malaysia

Trên thế giới có hai danh mục ISI và Scopus bao gồm các tạp chí khoa học được lựa chọn theo chất lượng của các công bố. Do tiêu chuẩn xét chọn cao nên đăng bài ISI khó hơn đăng bài Scopus rất nhiều. Hội đồng Giáo sư Nhà nước cũng dùng hai danh mục này để xét chọn chức danh. Ví dụ như Phó Giáo sư hay Giáo sư cần có ít nhất 3 hay 5 bài báo trong 2 danh mục này. Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) cũng quy định các đề tài nghiên cứu phải công bố ít nhất 2 bài ISI trong 2 năm.

Quy chế đào tạo tiến sĩ cũ (ban hành năm 2017) quy định luận án tiến sĩ phải công bố 2 bài báo trong đó có 1 bài đăng trên tạp chí thuộc danh mục ISI/Scopus (bài kia có thể đăng trong nước) hoặc 2 bài báo ở nước ngoài. So với tiêu chuẩn chức danh thì quy định này hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nó vẫn còn kém các nước Đông Nam Á. Ví dụ như ĐH Malaya (Malaysia) yêu cầu luận án các ngành khoa học tự nhiên phải có 2 bài ISI, các ngành khoa học xã hội có 1 bài ISI hay ĐH Chulalongkorn (Thái Lan) yêu cầu luận án phải có 1 bài ISI.

Quy chế đào tạo tiến sĩ mới huỷ bỏ hoàn toàn yêu cầu công bố quốc tế của Quy chế cũ. Thậm chí, luận án chỉ cần có 3 công bố trên các tạp chí trong nước loại trung bình là được bảo vệ. Người hướng dẫn cũng không cần có công bố quốc tế, chỉ cần có 2 công bố trong nước loại trung bình trong 5 năm cuối, còn thấp hơn cả tiêu chuẩn 3 công bố của nghiên cứu sinh. Quy trình duyệt bài của những tạp chí này thường dễ dãi và tuỳ tiện. Vì vậy, nghiên cứu sinh và thầy hướng dẫn có thể dễ dàng tác động vào quá trình xét duyệt đăng bài, tạo kẽ hở cho việc ra đời các "tiến sĩ rởm".

Nhìn sang các nước quanh ta thì Quy chế mới ban hành thực sự là một nỗi hổ thẹn quốc gia. Đáng nhẽ ra, cần nâng tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ lên để có thể đuổi kịp trình độ đào tạo tiến sĩ của Thái Lan thì lại hạ thấp tiêu chuẩn cho phép chỉ cần công bố trong các tạp chí trong nước loại trung bình. Điều này rất nguy hiểm vì tiến sĩ là lực lượng giảng dạy chủ chốt trong các đại học.

Với quy chế mới có thể khẳng định giáo dục đại học ở Việt Nam sẽ còn tụt hậu hơn nữa so với các nước Đông Nam Á.

Không yêu cầu công bố quốc tế, không thể ngăn cản lò ấp tiến sĩ rởm

Trước năm 2017, chúng ta đã từng xôn xao về các lò tiến sĩ rởm, những nơi có thể đào tạo hàng trăm tiến sĩ mà hầu như không có công bố quốc tế nào. Chúng ta cũng bức bối vì có quá nhiều tiến sĩ ở các cơ quan công quyền mà không biết họ có thật sự nghiên cứu để có bằng hay không. Quy chế cũ đã giúp dẹp bỏ những vấn nạn này chính bởi vì tiêu chuẩn công bố quốc tế mà nghiên cứu sinh khó lòng “chạy” được. Vậy thì tại sao Bộ GD-ĐT lại thay thế Quy chế cũ bằng một quy chế không khác gì thời kỳ nhiều tiêu cực trước 2017?

Quy chế cũ không phải là không có những khiếm khuyết:

- Một số ngành khoa học xã hội và nhân văn khó đào tạo tiến sĩ vì khó có công bố quốc tế.

- Không thể yêu cầu công bố quốc tế một cách chung chung vì có nhiều tạp chí không đảm bảo chất lượng mà nghiên cứu sinh có thể bỏ tiền ra để mua bài.

Nhưng nếu dùng những khiếm khuyết này nhằm loại bỏ tiêu chuẩn công bố quốc tế của Quy chế cũ thì không hợp lý.

Hãy nhìn sang Trung Quốc là nước tương đồng với chúng ta về mọi mặt. Trong bảng xếp hạng các đại học thế giới năm 2021 của Times Higher Education (chủ yếu dựa theo thành tích công bố quốc tế) thì ĐH Bắc Kinh đứng thứ 17 trong khoa học xã hội và thứ 28 trong khoa học nhân văn.

Trong lúc các tác giả Trung Quốc dùng mọi cách để khẳng định yêu sách lãnh thổ của họ trong các công bố học thuật thì Việt Nam lại bỏ mặc mặt trận này. Trong bài báo “Đào tạo tiến sĩ tràn lan là có lỗi với lịch sử, đất nước” (Người Lao Động, 16/3/2018), GS Võ Văn Sen, nguyên Hiệu trưởng ĐH KHXH&NV Thành phố Hồ Chí Minh, đã thẳng thắn thừa nhận công bố quốc tế “là cái yếu chung và chúng ta là một trường hợp yếu điển hình: Là ĐH lớn nhưng chuẩn về công bố khoa học rất thấp”.

Vì vậy, vẫn nên giữ yêu cầu công bố quốc tế trong khoa học xã hội và nhân văn, nhưng có thể ở mức thấp hơn. Đối với một số ngành đặc thù chưa thể có công bố quốc tế thì Bộ GD-ĐT có thể chấp nhận luận án không có công bố quốc tế.

Cũng có người nói Quy chế mới sẽ xoá bỏ nạn thuê viết bài báo quốc tế hay bỏ tiền ra để đăng bài trong các tạp chí rởm ở nước ngoài. Thuê viết bài báo trong nước rẻ hơn hay là viết bài đăng trong nước quá dễ? Để khắc phục những tiêu cực này, Bộ GD-ĐT chỉ cần yêu cầu công bố trong các tạp chí quốc tế có uy tín. Khó có ai dám nhận viết thuê để đăng trong những tạp chí có uy tín này vì chỉ những bản thảo có giá trị khoa học thực sự mới được nhận đăng.

Về ý kiến nói rằng nên để “sàn” công bố thấp để các cơ sở đào tạo tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong đào tạo tiến sĩ: Cơ sở đào tạo nghiêm chỉnh chắc chắn không cần đến cái sàn của Bộ. Còn những cơ sở lấy sàn thấp thì sao? Xã hội có đủ sức biết tiến sĩ nào thật, tiến sĩ nào rởm không? Ở các nước phát triển, người ta luôn đòi hỏi các tiến sĩ đi xin việc nộp danh sách công bố quốc tế hay các chứng chỉ phát minh sáng chế. Nếu đào tạo tiến sĩ không đòi hỏi những thứ này, thì lấy cái gì để đánh giá trình độ tiến sĩ. Thế mới có chuyện có những người lấy bằng tiến sĩ chỉ sau vài lần "đi chơi nước ngoài" tại những cơ sở đào tạo rởm mà vẫn được cơ quan của họ tin dùng, thậm chí lên chức sau khi có bằng tiến sĩ mang mác nước ngoài.

Phải chăng Bộ GD-ĐT muốn tăng số lượng tiến sĩ bất kể chất lượng đào tạo thế nào nên mới hạ tiêu chuẩn công bố xuống thấp như thời kỳ có nhiều tiêu cực trước năm 2017. Với tiêu chuẩn đầu ra thấp như vậy, tôi cho rằng quy chế mới đã cấp giấy thông hành cho việc đào tạo tiến sĩ không đảm bảo chất lượng trong xã hội.

Cuối cùng tôi muốn nhấn mạnh yêu cầu luận án tiến sĩ có công bố quốc tế là tiêu chuẩn khách quan duy nhất để có "tiến sĩ thật". Không có tiêu chuẩn công bố quốc tế thì những quy định đầu vào, dù có chặt chẽ đến đâu, cùng với các yêu cầu giải trình xã hội, liêm chính học thuật... cũng không thể ngăn cản được việc cho ra lò các “tiến sĩ rởm”. Chỉ cần vài năm đào tạo tiến sĩ theo Quy chế mới thì xã hội sẽ lại "dậy sóng" khi nhìn đâu cũng thấy tiến sĩ, thật - giả lẫn lộn.

Vì vậy, tôi đề nghị Bộ GD-ĐT sửa lại Quy chế đào tạo tiến sĩ mới theo tinh thần “học thật, thi thật, nhân tài thật”, để đem lại niềm tin của xã hội đối với phát biểu của Thủ tướng.

GS.TSKH Ngô Việt Trung-Theo Báo Vietnamnet

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 15
|
Tổng số truy cập: 14.342.902
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành