banner
English
Tiếng Việt

EU thay đổi quy tắc nhãn mác để đối phó mật ong giả Trung Quốc

Cập nhật: 14/10/2021
Lượt xem: 970
Vấn nạn mật ong giả, pha tạp khiến nhiều người nuôi ong chân chính tại EU phải bỏ nghề. Ảnh: Insider
Vấn nạn mật ong giả, pha tạp khiến nhiều người nuôi ong chân chính tại EU phải bỏ nghề. Ảnh: Insider

Theo đó, giới chứcliên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ thay đổi các quy tắc ghi dán nhãn mác thực phẩm để ngăn chặn nạn mật ong giả của Trung Quốc. Thông tin mới vừa được rò rỉ ra ngoài từ một cuộc họp của các Bộ trưởng Nông nghiệp các quốc gia châu Âu và ủy viên nông nghiệp của EU.

Tờ Politico cho biết, mật ong là một trong những mặt hàng nông sản dễ bị pha tạp nhất trên thế giới và những người nuôi ong ở EU từ lâu đã phàn nàn về việc bị cắt giảm sản lượng mật ong quy mô công nghiệp. Nguyên nhân bắt nguồn từ mật ong giá rẻ, chất lượng thấp của Trung Quốc tuồn vào khối này.

Trung Quốc hiện là nước sản xuất mật ong lớn nhất thế giới, nơi mà người nuôi ong thường trộn mật ong lẫn với xi-rô đường, một hành vi không thể đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của EU nhưng lại rất khó phát hiện.

Trong khi đó, các quy tắc ghi dán nhãn hiện tại của EU đối với sản phẩm mật ong dù đã yêu cầu nhãn phải nêu rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng các danh mục lại rất mơ hồ, chung chung.

Theo đó, việc thúc đẩy quy định ghi dán nhãn mác "chi tiết và rõ ràng" đối với sản phẩm mật ong đã được Pháp, Bồ Đào Nha và đặc biệt là Slovenia, cái nôi của những người nuôi ong nghiệp dư hiện đang nắm giữ ghế Chủ tịch Hội đồng EU đưa vấn đề này lên chương trình nghị sự.

Bộ trưởng Nông nghiệp Slovenia Jože Podgoršek cho biết, trong một cuộc họp báo gần đây, Ủy viên Nông nghiệp EU Janusz Wojciechowski đã “nhận ra sự cần thiết phải sửa đổi các quy định về ghi dán nhãn mác. Sau đó các ý kiến tương tự cũng được các quốc gia thành viên lên tiếng ủng hộ”.

Theo ông Podgoršek, hiện giới chức EU đã lên kế hoạch cho một dự thảo sửa đổi về quy định nhãn mác đối với mật ong.

Vấn nạn mật ong giả của Trung Quốc từng là chủ đề thảo luận ở Brussels trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là vì những người nuôi ong ở EU luôn phàn nàn rằng sinh kế của họ phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh.

Bộ trưởng Nông nghiệp Slovenia cho biết, hiện một số nước EU cũng muốn nhãn mác mới phải nêu rõ tỷ lệ mật ong trong hỗn hợp đóng chai của từng quốc gia. Điều này nhằm đề phòng và chống lại tình trạng làm ăn gian dối trong quá trình sản xuất mật ong, có thể bị tạp nhiễm bằng cách trộn thêm xi-rô đường hoặc được thu hoạch, khai thác từ các tổ ong quá sớm.

Thị trường EU hiện tiêu thụ tới 40% sản lượng mật ong nhưng vẫn phụ thuộc vào những người nuôi ong bên ngoài khối.
Mật ong là loại thực phẩm bị làm giả nhiều thứ ba thế giới, sau sữa và dầu ô liu. Ảnh: Insider
Mật ong là loại thực phẩm bị làm giả nhiều thứ ba thế giới, sau sữa và dầu ô liu. Ảnh: Insider

Vấn nạn mật ong pha tạp từng khiến những người nuôi ong ở Vương quốc Anh đã bị ảnh hưởng đặc biệt nặng nề, khi nước này phải nhập khẩu tới 47% sản lượng mật ong từ Trung Quốc vào năm 2018. Một kết quả phân tích trong phòng thí nghiệm của Dự án Mật ong Xác tín đối với 11 thương hiệu bày bán trong siêu thị cho thấy, không có nhãn hiệu nào tuân thủ các tiêu chuẩn ghi nhãn của EU.

Còn nhớ, vào tháng 2 năm 2013, Bộ Tư pháp Mỹ đã buộc tội hai nhà nhập khẩu mật ong lớn trong "Chiến dịch Honeygate"- chống nạn mật ong giả.  Theo đó, hai công ty nhập khẩu là Honey Solutions và Groeb Farms đã mua mật ong dởm của Trung Quốc hoặc mật ong bị pha tạp chất thông qua nhiều quốc gia khác ở châu Á và châu Âu trước khi chuyển đến Mỹ tiêu thụ.

Lộ trình “rửa mật ong” quy mô lớn này đã giúp các công ty tránh được khoản thuế vận chuyển lên tới 180 triệu đô la, đồng thời che giấu được nguồn gốc thực sự của mật ong, khiến cho đa số người tiêu dùng lầm tưởng đó là mật ong xịn. Sự cố gian lận này được coi là scandal thực phẩm lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Theo Cơ sở dữ liệu về gian lận thực phẩm do công ty quản lý Decernis duy trì, mật ong chính là thực phẩm bị làm giả nhiều thứ ba thế giới, sau sữa và dầu ô liu. Các nhà sản xuất có thể pha loãng mật ong thật với xi-rô có nguồn gốc từ thực vật, như xi-rô ngô hoặc xi-rô củ cải đường có hàm lượng fructose cao để  làm cho chúng trông giống như mật ong thật.

Đến nay số lượng chính xác của mật ong giả trên thế giới vẫn còn là một cuộc tranh luận. Một phân tích của Dự án Mật ong xác tín, một hiệp hội của các nhà hoạt động và các thành viên trong ngành, đưa ra con số mật ong giả hoặc bị pha trộn là 33%. Trong khi đó một nghiên cứu năm 2018 về mật ong được bày bán ở Úc cho thấy có 27% sản phẩm được kiểm tra là giả hoặc có các thành phần khác được pha trộn vào.

Hà Dương-NNVN

 

(Politico; Insider)

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 37
|
Tổng số truy cập: 14.619.973
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành