Nhiều sản phẩm khác bị tác động
Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cuối tuần qua thông báo, biện pháp mới sẽ tạm thời treo quyền tiếp cận miễn thuế đối với khối lượng hàng hóa trị giá 817 triệu USD, bắt đầu từ ngày 30 tháng 12 tới.
Nguyên nhân là do Thái Lan "chậm trễ cung cấp cho Mỹ những số liệu về khả năng tiếp cận thị trường công bằng và hợp lý đối với các sản phẩm thịt lợn", mặc dù đã trải qua 12 năm ròng thảo luận.
Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer cho biết Washington sẽ tiếp tục loại bỏ ưu đãi thuế quan đối với Thái Lan. Ảnh: AFP
Theo Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, quyết định này "thể hiện cam kết của chính quyền Tổng thống Donald Trump trong việc giám sát và thực thi mạnh mẽ các chương trình ưu đãi thương mại của Mỹ".
Tuyên bố của USTR cho biết, số tiền trên tương đương khoảng một phần sáu lợi nhuận của Thái Lan theo Chương trình thuế quan ưu đãi nhằm giảm thuế cho các sản phẩm khác nhau (GSP). Ngoài ra, nhiều dòng sản phẩm khác cũng sẽ bị ảnh hưởng bao gồm xoài, dứa, bộ dụng cụ trang điểm, ống thép và đá quý.
Chiến dịch này vốn được ông Trump phát động từ đầu năm 2018, với mục tiêu giành lại công bằng cho các công ty Mỹ trên thị trường thế giới và cắt giảm thâm hụt thương mại bằng việc liên tục đưa ra những đe dọa đối với các đối tác thương mại lớn, đặc biệt là Trung Quốc sau đó tạo ra cuộc chiến tranh thương mại vô tiền khoáng hậu giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Riêng đối với Thái Lan, ngay từ khi bước vào Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã muốn cắt giảm khoản tiền gần 20 tỷ USD thặng dư thương mại với Mỹ.
Không bất ngờ
Theo các chuyên gia kinh tế, ngay ở thời điểm khởi động cuộc thương chiến Mỹ- Trung, chính phủ Thái Lan đã từng được cảnh báo là một nước đang phát triển lại phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu nên Thái Lan chỉ đạt được đà tăng trưởng tốt nhất khi thương mại toàn cầu rộng mở. Tuy nhiên những gì mà Mỹ đã làm với Trung Quốc cũng khiến Thái Lan không thể cứ vô tư đứng ngoài cuộc chiến được coi là bão tố này, nhất là khi không có dấu hiệu nào cho thấy Tổng thống Trump sẽ rút lại các đe dọa về áp thuế bổ sung.
Chính phủ Mỹ luôn ép Thái Lan mở cửa thị trường thịt lợn khi cho biết mỗi năm chỉ nhập khẩu của nước này vài chục tấn trong khi nhu cầu thịt ở Thái Lan là 1 triệu tấn/năm. Ảnh: BKP
Chính phủ Mỹ luôn ép Thái Lan mở cửa thị trường thịt lợn khi cho biết mỗi năm chỉ nhập khẩu của nước này vài chục tấn trong khi nhu cầu thịt ở Thái Lan là 1 triệu tấn/năm. Ảnh: BKP
Trước đó, vào tháng 4 năm 2018, Hội đồng các nhà sản xuất thịt lợn quốc gia (NPPC) đã đệ đơn lên giới chức Mỹ để sớm có hành động ngăn chặn Thái Lan để dằn mặt việc Thái Lan cấm cửa đối với thịt lợn Mỹ. Nguyên do là trong khi GSP cho phép 3.500 sản phẩm từ 119 quốc gia được thâm nhập vào thị trường Mỹ miễn thuế, đổi lại họ phải thực hiện đầy đủ các bước để bảo vệ quyền của người lao động, quyền sở hữu trí tuệ và đảm bảo quyền tiếp cận công bằng và hợp lý trên thị trường.
Theo Phòng Thương mại Thái Lan, trước đó, vào tháng 10 năm 2019, Mỹ cũng đã đột ngột dỡ bỏ quy chế ưu đãi đối với 573 loại hàng hóa xuất khẩu của Thái Lan, đồng thời tuyên bố sẽ áp mức thuế từ 1% đến 5% bắt đầu từ ngày 25/4/2020.
Vào thời điểm đó, ở trong nước đã nổ ra một số cuộc tranh luận cho rằng động thái trừng phạt của Mỹ có liên quan đến lệnh cấm sử dụng ba loại thuốc trừ sâu có chứa paraquat gây tranh cãi trong nước cũng như việc Thái Lan cấm nhập khẩu sản phẩm thịt lợn có chứa chất phụ gia thức ăn chăn nuôi của các nhà sản xuất thịt Mỹ.
Theo đó NPPC cho rằng, lệnh cấm của Thái Lan đối với chất phụ gia thức ăn chăn nuôi ractopamine vốn được sử dụng rộng rãi trong ngành chăn nuôi lợn nhằm tăng sản lượng cho các sản phẩm thịt lợn của Mỹ.
Thái Lan luôn cho rằng, việc cấm nhập khẩu thịt lợn Mỹ có chứa chất tạo nạc là căn cứ trên các báo cáo khoa học do chất này gây ra những mối lo ngại về sức khỏe người tiêu dùng và chất này cũng đã bị cấm ở hầu hết các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả Liên minh châu Âu. Trong khi đó, chính phủ Mỹ và các nhà khoa học nước này thì liên tục bác bỏ khi nói rằng, việc cấm chất phụ gia của chính phủ Thái Lan chỉ là cái cớ để bảo hộ ngành công nghiệp chăn nuôi lợn trong nước bởi hiện chất này vẫn được phép sử dụng ở Nhật Bản và Hàn Quốc.
Kim Long- NNVN
Nguồn: AFP, BKP