Những loại hải sản vốn được xem là thực phẩm ngon và luôn hấp dẫn thực khách. Tuy nhiên, nhiều khi ngay cả người chế biến lẫn người ăn đều không nhận biết được một số loại hải sản có độc tố nên đã dẫn đến nhiều vụ ngộ độc thực phẩm gây hậu quả đáng tiếc.
Theo công bố mới đây của Viện Hải dương học Nha Trang thì tại vùng biển Việt Nam có tới 39 loài sinh vật chứa chất độc có khả năng gây chết người. Trong đó có 22 loài cá, một loài bạch tuộc, hai loài ốc, ba loài cua, một loài sam và 10 loài rắn biển. Ngoài ra còn có hai loài cá nóc nước ngọt mới được phát hiện ở một số tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long, tổng cộng là 41 loài sinh vật độc. Những loài hải sản độc này có thể gây hại cho con người qua đường tiêu hóa do các món ăn chế biến từ cá và hải sản; hoặc qua phản ứng tự vệ của con vật khi ta vô tình chạm vào chúng, bị chúng cắn, chích hoặc phóng tên độc.
Phần đa mọi người khó phân biệt được hải sản có độc tố. Ảnh: TL
Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế khuyến cáo, trong 41 loài sinh vật độc trên có 5 loại cực độc là: Cá nóc răng mỏ chim; cá nóc tro; cá nóc vằn mặt; cá nóc chấm cam; cá nóc chuột vằn mang. Trong đó cá nóc chấm cam và cá nóc chuột vằn mang là hai loài độc nhất. Trong trứng của cá nóc chuột vằn mang tập trung một lượng chất độc khủng khiếp, cứ 100g trứng có thể giết chết 200 người; hàm lượng độc chất cao xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 10. Trứng của cá nóc chuột vằn mang, cá nóc chấm cam cũng rất đáng sợ, 100g trứng hoặc gan loài cá này có thể giết chết 60-70 người.
Bên cạnh đó, có một loại hải sản rất nguy hiểm là so biển nhưng nhiều người lại nhầm lẫn với sam biển nên chế biến sử dụng dẫn đến hậu quả chết người. Theo Cục An toàn thực phẩm thì sam biển, so biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Tại Việt Nam chỉ có 2 loài là sam biển và so biển. Trong so biển có độc tố tetrodotoxin (chất độc thần kinh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp). Độc tố này tan trong nước, không bị nhiệt phá hủy (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại). Thậm chí khi đun sôi đến 1000C trong 6 tiếng mới giảm được một nửa độc tính.
Mặc dù ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn sam biển nhưng lại có nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn so biển được ghi nhận. Nguyên nhân các trường hợp mắc đa số là do cố tình ăn còn một số trường hợp do nhầm so biển là sam biển, dùng so biển để chế biến món ăn.
Cách nhận biết một số triệu chứng của ngộ độ tetrodotoxin như: Trường hợp bị nhiễm ít chất độc, bệnh nhẹ thì sau khi ăn từ 10 phút đến vài giờ có cảm giác tê môi, lưỡi, miệng, mặt và các ngón tay/bàn tay, ngón chân/bàn chân. Đồng thời thấy đau đầu, vã mồ hôi, đau bụng, buồn nôn và nôn, tăng tiết nước bọt… Với trường hợp nặng, người bệnh mệt lả, yếu cơ, liệt cơ tiến triển nên đi đứng loạng choạng không vững. Tình trạng liệt cơ nặng, nhanh chóng dẫn đến liệt toàn thân, kể cả hô hấp, khiến người bệnh không thở được, suy hô hấp, ngừng thở, mạch chậm, huyết áp hạ và hôn mê, dẫn đến tử vong.
Trong trường hợp này việc xử trí nhanh rất quan trọng giúp giảm hậu quả ngộ độc. Người bệnh cần được gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện về hồi sức cấp cứu (BV). Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy nếu suy hô hấp, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận tùy theo biểu hiện của bệnh.
Những loại hải sản độc nói chung đều chứa tetrodotoxin. Vì vậy, để chủ động phòng chống ngộ độc hải sản, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo người tiêu dùng tuyệt đối không dùng các loài hải sản độc chế biến thức ăn dưới bất cứ hình thức nào và với bất cứ bộ phận nào của cơ thể chúng. Đồng thời căn cứ vào một số dấu hiệu nhận biết để đi đến cơ sở y tế kịp thời.
|
Thịnh An