TP HCM từ đầu năm đến nay có gần 1.500 ca mắc sởi, trong khi cả năm 2013 chỉ hơn 400 ca. Hiện chưa ghi nhận ca tử vong nào do sởi nhưng bệnh đang tăng mạnh, xuất hiện ở tất cả 24 quận, huyện với tỷ lệ người lớn mắc bệnh tăng vọt. Một số bệnh viện lớn đã xuất hiện nhiều ca biến chứng nguy hiểm như viêm phế quản, viêm phổi.
Trong các ca nhiễm sởi, đa số là bệnh nhân chưa tiêm hoặc tiêm không đủ 2 mũi sởi. Bác sĩ Nguyễn Quốc Vinh, Trưởng khoa Nội A, Bệnh viện Nhiệt đới TP HCM cho biết, nhiều người lớn mắc sởi do chưa được tiêm ngừa, chưa bao giờ mắc sởi nên chưa có khả năng miễn dịch. Đối với những ca sởi là người lớn mắc một số bệnh nền, nhất là bệnh tim mạch, tiểu đường… thì biến chứng gặp phải còn nguy hiểm hơn so với trẻ em, đặc biệt là biến chứng viêm não.
Có nhiều ca sởi đặc biệt như bệnh nhân đã chích ngừa mà vẫn mắc bệnh, lây từ mẹ sang con… Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, một số trẻ dưới 9 tháng (chưa đủ tuổi tiêm phòng sởi) mắc bệnh. Có bệnh nhi đã tiêm một mũi văcxin, đang trong giai đoạn chờ tiêm mũi thứ 2 thì bị bệnh.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới (TP HCM), một bệnh nhi 3 tuổi đã tiêm 2 mũi sởi theo chương trình sởi quốc gia nhưng vẫn bị nhiễm sởi và biến chứng nặng. Theo đại diện Viện Pasteur, trên thế giới, tỷ lệ trẻ đã tiêm ngừa sởi 2 lần vẫn có thể bị sởi tiếp chiếm xác suất là 3-3,5%, ở Việt Nam con số này là 1,7%. Vì vậy, trong đợt cao điểm dịch bệnh, trẻ đã tiêm phòng vẫn cần có ý thức phối hợp các biện pháp phòng ngừa tránh lây nhiễm.
|
Nguyên tắc kinh điển trong bệnh sởi, trẻ nhỏ (dưới 1 hay 2 tuổi) sẽ bị biến chứng hô hấp, trẻ lớn và người lớn biến chứng viêm não. Ảnh: Giang Chinh.
|
Phân tích về diễn biến bệnh nhân sởi, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) nhận xét, bệnh sởi năm nay chủng virus không có gì lạ. Về nguyên tắc kinh điển trong bệnh sởi, trẻ nhỏ (dưới 1 hay 2 tuổi) sẽ bị biến chứng hô hấp, trẻ lớn và người lớn thường biến chứng viêm não. Năm nay do diện tấn công là trẻ nhỏ nên tỷ lệ biến chứng viêm phổi nhiều. Nguyên tắc xuất hiện biến chứng trong khi ra ban hay sau khi ban bay, vẫn xếp vào biến chứng sởi. Trẻ nhỏ mắc bệnh nhiều là do không được tiêm phòng sởi.
Theo bác sĩ Khanh, nguyên tắc nhi khoa, tổn thương hô hấp là phải điều trị từng giai đoạn suy hô hấp rất chuẩn. Trẻ bị sởi sẽ biến chứng phổi và suy hô hấp hơn khi có bệnh nền như suy dinh dưỡng, tim bẩm sinh, suy giảm miễn dịch. Do đó những trẻ này cần đặc biệt tránh tiếp xúc với bệnh nhân sởi.
Bé bình thường bị bệnh sởi có thể tử vong khi nhiễm thêm những tác nhân có độc lực cao trong môi trường bệnh viện (nhiễm trùng bệnh viện). Do đó sự chật chội, nằm chung bệnh khác, thực hiện các phương pháp điều trị không cần thiết và không bảo đảm nguyên tắc phòng chống nhiễm trùng bệnh viện thì bệnh nhi mắc sởi sẽ nặng và suy hô hấp gây tử vong.
Bác sĩ Khanh cho rằng, hai yếu tố bệnh nền và nhiễm trùng bệnh viện là nguyên nhân chính gây tử vong hiện nay và sự quá tải cũng như phương tiện, kinh nghiệm can thiệp suy hô hấp làm trầm trọng hơn. Theo bác sĩ, nếu các tỉnh phía Bắc không nhìn ra vấn đề này thì sẽ tiếp tục "vỡ trận". Việc "vỡ trận" có thể do để nhiễm chéo, bội nhiễm nhiều quá, sức nhân viên kéo dài vì vừa chữa bệnh nhẹ, vừa chữa bệnh nặng.
"Về lâu dài thì quan trọng là phải tính toán xây dụng lại hệ thống nhi khoa miền Bắc. Miền Nam ít bệnh viện chuyên khoa nhi, nhưng việc chỉ đạo tuyến nhi, sự chia sẻ chuyên môn trong hệ thống giữa các tuyến, sự tin tưởng và tham vấn tuyến trên cho tuyến dưới rất tốt", bác sĩ Khanh phân tích.
Lê Phương
Theo VNExpress