banner
English
Tiếng Việt

Phòng chống ngộ độc So biển

Cập nhật: 22/04/2014
Lượt xem: 821
 Theo Cục An toàn thực phẩm, Sam biển, So biển là động vật giáp xác thân mềm, sống ở biển. Trên thế giới họ Sam (Xiphosuridae) có 4 loài, còn ở Việt Nam chỉ có 2 loài là Sam biển (Tachypleus tridentatus) và So biển (Carcinoscorpius rotundicauda).
Con Sam

 

- Tachypleus tridentatus, dân gian gọi là Sam biển (sam lớn). Khu vực phân bố của nó là các vùng ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các dải cát tại khu vực có thủy triều cao. Nơi Sam biển trưởng thành sinh đẻ cũng như là nơi sống của sam non có bãi biển sạch và không ô nhiễm. Đuôi Sam biển có gờ mặt lưng, hình tam giác. Sam biển sống thành từng cặp. Mỗi cặp Sam làm tổ đều sinh sống kiểu một vợ một chồng và sống cùng nhau cho đến hết đời. Mỗi cặp Sam đẻ nhiều trứng. Sau khi đẻ trứng, Sam cái bò đi nơi khác. Trứng được phát triển thành ấu trùng, Sam con và thành Sam trưởng thành. Sam biển được khai thác, buôn bán và sử dụng làm thực phẩm như một loại hải sản.

Con So

 

- Carcinoscorpius rotundicauda, dân gian gọi là So biển (Sam nhỏ). Khu vực phân bố của nó cũng là ven biển. Môi trường sinh sống thiết yếu là các lạch nước ngọt. So biển có hình hài rất giống Sam biển, nhưng kích thước nhỏ hơn Sam biển và không đi theo thành từng cặp. Chiều dài thân của So biển thường khoảng 20 - 25 cm (không kể đuôi), toàn thân màu xanh nâu đậm, đuôi không có gờ mặt lưng, tiết diện cắt ngang của đuôi có dạng hình trứng hay tròn. Trong So biển có độc tốtetrodotoxin.

Độc tố của So biển là Tetrodotoxin (như độc tính của độc tố ở cá nóc), tan trong nước, không bị nhiệt phá huỷ (nấu chín hay phơi khô, sấy, độc chất vẫn tồn tại). Chất độc có thể bị phân huỷ trong môi trường kiềm hay acid mạnh.Tetrodotoxin cho vào dung dịch HCl (axit Clohydric) 0,2 đến 0,3% sau 8 giờ mới bị phân huỷ; hoặc đun sôi (100oC) thì sau 6 giờ mới giảm được một nửa độc tính; chỉ phá hủy hoàn toàn độc tính phải đun sôi ở 200oC trong 10 phút.

Tetrodotoxin (TTX) C11 H17 ON3 là chất độc thần kinh, rất độc, gây tử vong cao, chất này cũng được phân lập từ một số loại vi khuẩn nhưEpiphytic bacterium, Vibrio species, Pseudomonas species (Yasumoto 1987), ở da và nội tạng con sa giông, kỳ nhông, bạch tuộc vòng xanh, cóc, cá nóc…

Độc tố tetrodotoxins, là một độc tố thần kinh mạnh, có khả năng gây liệt cơ hô hấp, ngưng thở, gây tử vong nhanh với liều độc rất thấp (LD50 theo đường miệng đối với chuột nhắt là 334 μg/kg). Hiện nay chưa có thuốc giải độc.

Ở Việt Nam cũng như trên thế giới từ trước đến nay, chưa có trường hợp nào ngộ độc chết người do ăn Sam biển nhưng nhiều trường hợp ngộ độc chết người do ăn So biển đã được ghi nhận. Nguyên nhân các trường hợp mắc đa số là do cố tình ăn và một số trường hợp do nhầm So biển là Sam biển dùng so biển để chế biến món ăn.

Ngộ độc do độc tố của So biển

- Triệu chứng ngộ độc:

+ Xuất hiện triệu chứng sau khi ăn từ 30 phút đến 60 phút.

+ Triệu chứng chung của các trường hợp ngộ độc là biểu hiện các dấu hiệu về thần kinh như: cảm giác tê môi, miệng, tay, chân và quanh vùng môi miệng; trạng thái thần kinh li bì, lơ mơ; toàn thân biểu hiện mệt; khó thở, huyết áp hạ...

- Xử trí ngộ độc:

+ Phát hiện có dấu hiệu sớm (còn tỉnh táo): cần gây nôn chủ động; chuyển bệnh nhân nhanh chóng đến cơ sở có điều kiện về hồi sức cấp cứu (bệnh viện).

+ Chống rối loạn tim mạch, hô hấp, thần kinh và tiết niệu bằng dịch truyền, thuốc điều trị triệu chứng, thở ô xy, thở máy nếu suy hô hấp, máy tạo nhịp, lợi tiểu, lọc thận tùy theo biểu hiện của bệnh.

Để đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng, Cục An toàn thực phẩm khuyến cáo:

(1) Tuyên truyền giáo dục, phổ biến kiến thức cho cộng đồng trong việc phân biệt Sam biển, So biển trong lựa chọn thực phẩm. Tuyệt đối không được dùng So biển làm nguyên liệu thực phẩm dưới bất  kỳ hình thức nào, dù chỉ là một lần.

(2) Tuyên truyền giáo dục cho ngư dân loại bỏ so biển khi đánh bắt hải sản và tuyệt đối không kinh doanh so biển.

(3) Tăng cường giám sát, kiểm soát an toàn thực phẩm trong đánh bắt, kinh doanh và tiêu dùng thủy hải sản.

(4) Tập huấn, đào tạo nhân viên y tế ở các tuyến để nâng cao năng lực hệ thống y tế trong việc chẩn đoán, cấp cứu và điều trị ngộ độc thực phẩm do độc tố So biển.

Theo phản ánh của trang điện tử báo Thanh niên ngày 21/4/2014, trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu đã xảy ra vụ ngộ độc do sử dụng “Sam biển” làm 2 người mắc và 1 người tử vong.

Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị Sở Y tế Bạc Liêu tổ chức điều tra vụ ngộ độc thực phẩm theo quy định; công khai kết quả điều tra nguyên nhân vụ ngộ độc thực phẩm để cảnh báo người tiêu dùng.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân tuyệt đối không kinh doanh và sử dụng thịt So biển dưới bất kỳ hình thức nào dù chỉ một lần; hướng dẫn người dân, ngư dân cách phân biệt giữa Sam biển, So biển và yêu cầu ngư dân loại bỏ ngay so biển khi đánh bắt. Chỉ đạo các đơn vị y tế trên địa bàn chuẩn bị sẵn sàng các phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra.

Theo VFA

TIN TỨC ĐƯỢC QUAN TÂMXem thêm
k-sMaB5ltYI video2444
Làm đệm lót sinh thái chuồng trong chăn nuôi gà
Chọn liên kết website
Đăng ký nhận tin
Đăng ký
Bản quyền website thuộc về HỘI LIÊN LẠC VỚI NGƯỜI VIỆT NAM Ở NƯỚC NGOÀI. bảo lưu mọi quyền lợi.
Đang online: 18
|
Tổng số truy cập: 14.620.724
HỘI THÚ Y VIỆT NAM
Địa chỉ: 86 Trường Chinh, Đống Đa, Hà Nội
Điện thoại: (04) 3869 1082  - Email: vva.hty@gmail.com - Website: hoithuyvietnam.org.vn
 
 
CHIA SẺ MẠNG XÃ HỘI
Thiết kế website SEO - Tất Thành